Sẽ không quá lời nếu ví công tác chống tổn thất điện năng của ngành điện như một “mặt trận”, bởi ở đó có sự chỉ đạo, điều hành; có sự trăn trở, quyết liệt và có cả sự thất bại, thành công. Chưa kể đến việc đầu tư về tài chính, phương tiện, nhân công, đặc biệt là sự tập trung công sức, trí tuệ của hàng nghìn con người ngày đêm “quên ăn, quên ngủ” cũng chỉ với mục tiêu GTTĐN trên lưới điện.

Điện lực Can Lộc ra quân giảm tổn thất điện năng tại Trạm biến áp Song Lộc 1, Song Lộc 9.

Dù đã rất quyết tâm, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và triển khai thực hiện; đồng bộ nhiều nhóm giải pháp cả kỹ thuật và kinh doanh để từng bước đưa tổn thất điện năng ngày một giảm sâu và đã đạt được một số thành quả, tín hiệu khả quan trong hành trình đi tìm tổn thất, song để “về đích” công tác này, phía trước là cả một chặng đường đầy gian truân, nhọc nhằn của những người làm điện Hà Tĩnh.

Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất trong công tác GTTĐN tại Hà Tĩnh đó là hệ thống đường dây điện dài, lưới điện trải qua nhiều địa hình phức tạp, phần lớn đi qua khu vực đồi núi, bị chia cắt bởi sông suối, vực sâu, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, mưa bão và hiện tượng sương muối đặc thù. Trong khi, phụ tải sinh hoạt toàn tỉnh chiếm hơn 60%, lại phân bố rải rác, không tập trung… đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tổn thất điện năng cao, gặp nhiều trở ngại trong vấn đề “cải thiện”.

Điện lực Kỳ Anh ra quân thay phụ kiện kém chất lượng, giảm tổn thất điện năng trên ĐZ 378E18.3.

Năm 2023, tỷ lệ tổn thất điện năng Công ty thực hiện là 6,75%, giảm 0,25% so với năm 2022, thấp hơn 0,04% so với kế hoạch giao của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Kết quả này còn khiêm tốn, chưa đạt được sự kỳ vọng của lãnh đạo Tổng công ty và Công ty tuy nhiên, không thể phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của gần 800 CBCNV đang ngày đêm “lăn xả” trong công cuộc GTTĐN trên lưới điện tỉnh nhà.

Từ thực trạng đó, một yêu cầu đặt ra: “Làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2024 về dưới 6,5% như kế hoạch? Liệu năm 2025 mục tiêu của Công ty phấn đấu đưa tổn thất điện năng về dưới 5,85% có đạt được không?” Câu trả lời chỉ có thể là: Không có sự lựa chọn và giải pháp nào khả thi hơn ngoài việc tập thể lãnh đạo, CBCNV Công ty cần phải tạo ra nhiều sự đổi mới và đột phá hơn nữa trong công tác GTTĐN. Điều đó đồng nghĩa với việc cả đội ngũ phải đồng sức, đồng lòng cùng nhìn về một hướng, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, suy nghĩ để đưa ra nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp hiệu quả, hiến kế cho đơn vị trong công tác GTTĐN.

Điện lực Lộc Hà ra quân giảm tổn thất điện năng tại Trạm biến áp Thạch Kim 3 – Lộc Hà.

Xác định như vậy nên ngay từ đầu năm 2024, tập thể lãnh đạo Công ty đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần quyết tâm, chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban chỉ đạo GTTĐN các giải pháp mới mẻ trong công tác quản lý, điều hành và kiện toàn bộ máy. Tổ chức khen thưởng cho các tập thể thực hiện tốt công tác “Giảm tổn thất điện năng, giảm suất sự cố lưới điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện…” năm 2023 và tiếp tục phát động phong trào thi đua GTTĐN năm 2024 đồng thời giao chỉ tiêu “pháp lệnh” cho từng đơn vị.

Để hỗ trợ các đơn vị trong công tác GTTĐN, Công ty thành lập 3 đoàn công tác “chuyên biệt” do các đồng chí trong Ban giám đốc Công ty làm trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra, kiểm soát hiện trường, hỗ trợ các đơn vị thực hiện các giải pháp. Hằng tháng tổ chức họp phân tích, đánh giá các công việc đã triển khai để đưa ra hướng khắc phục hợp lý cho từng lộ trình, khu vực. Quyết liệt chỉ đạo các phòng, các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện với 2 “mũi giáp công” tổng lực gồm các biện pháp cơ bản về quản lý kỹ thuật – vận hành và quản lý kinh doanh nhằm GTTĐN.

Ông Phạm Công Thành – Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác GTTĐN tại đơn vị cơ sở.

Trong công tác quản lý kỹ thuật – vận hành, Công ty quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát tổng thể lưới điện, kịp thời phát hiện và xử lý tồn tại, khiếm khuyết trên hệ thống; chủ động tính toán, khoanh vùng đường dây, trạm biến áp có tổn thất điện năng lớn hơn so với tính toán kỹ thuật và so với cùng kỳ, nhất là các “điểm nóng” có tỷ lệ tổn thất điện năng và sản lượng điện hao hụt lớn để lập phương án sửa chữa, cải tạo.

Đặc biệt, lưu ý các đơn vị không để xảy ra tình trạng quá tải đường dây, trạm biến áp thường xuyên theo dõi các thông số vận hành, tình hình tăng trưởng phụ tải để có kế hoạch cải tạo lưới điện hợp lý; thực hiện hoán chuyển máy biến áp non tải, đầy tải, không để các máy biến áp phụ tải vận hành lệch pha; tăng cường lắp đặt và vận hành tối ưu tụ bù công suất phản kháng; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành; từng bước loại dần các thiết bị không tin cậy, hiệu suất kém, tổn thất cao…

Ông Phạm Việt Thắng, Phó giám đốc Công ty chỉ đạo công tác GTTĐN tại Điện lực Lộc Hà.

Ở nhóm biện pháp quản lý kinh doanh, Công ty yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm định, thay thế định kỳ công tơ đúng quy định, không để tình trạng công tơ quá hạn trên lưới; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đo đếm đảm bảo các thiết bị được niêm phong quản lý tốt; đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời phát hiện và thay thế công tơ kẹt cháy, TU, TI cháy hỏng; thực hiện ghi chỉ số công tơ đúng ngày quy định; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm trong sử dụng điện, xử lý nghiêm  hành vi ăn cắp điện…

Điện lực Đức Thọ thực hiện ra quân giảm tổn thất điện năng Trạm biến áp Đức Thanh 4.

Từ 2 “mũi giáp công” này, cùng với việc phát động đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2024 của Giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn Công ty, thời gian qua, khí thế ra quân GTTĐN của các phòng chức năng cũng như các đơn vị trực thuộc đang diễn ra hết sức sôi nổi, khẩn trương, ý thức, tinh thần tự giác của từng CBCNV đối với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch GTTĐN ngày càng được nâng lên và lan tỏa sâu rộng.

Với nỗ lực, cố gắng của toàn thể CBCNV, lũy kế 2 tháng năm 2024, tỷ lệ tổn thất toàn Công ty thực hiện 3,43% giảm 0,95% so với cùng kỳ và giảm 3,12% kế hoạch giao. Trong công tác kiểm tra sử dụng điện, 2 tháng đầu năm, toàn Công ty thực hiện kiểm tra 17.973 lượt, phát hiện và xử lý 203 vụ việc; sản lượng điện năng truy thu, bồi thường 85.408 kWh, thu được số tiền 349,543 triệu đồng.

Từ đây, mỗi một thành viên trong ngôi nhà chung Công ty xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước trận chiến cam go GTTĐN. Không một ai có thể thong dong, thờ ơ đứng ngoài cuộc lúc này, mọi người đều nhận thức được việc GTTĐN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là điều kiện tiên quyết, là “chỉ số sống còn, quyết định sự thành công hay thất bại” đối với hoạt động SXKD của đơn vị. Đây cũng là uy tín, danh dự; là “cơm áo gạo tiền”, hình ảnh, văn hóa và thương hiệu của Công ty nên tất thảy đã sẵn sàng, tự tin để bước vào cuộc “trường chinh” GTTĐN bằng cả ý chí, nghị lực và niềm tin chiến thắng.

Và giờ đây, tinh thần ấy càng được thổi bùng lên bởi ngọn lửa khát khao chinh phục công cuộc GTTĐN của người “thuyền trưởng”. Thời điểm vàng đã đến, “chúng ta hãy chạy marathon, đừng đi bộ để tìm tổn thất” – thông điệp đó của ông Phạm Công Thành – Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh một lần nữa tiếp thêm động lực, khích lệ tinh thần, tạo nhuệ khí và sức mạnh để CBCNV- những người đang khoác trên mình chiếc áo có biểu trưng 4 ngôi sao đồng tâm của EVN hiểu rằng, họ cần làm gì trong hành trình đi tìm “trái ngọt” GTTĐN của đơn vị.

PHƯƠNG THẢO