(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho phép hợp tác hình thành bến chung giữa bến cảng container quốc tế Cái Mép và bến cảng quốc tế Cái Mép để tạo thành một cầu bến dài 1.200 m như đề xuất của hai doanh…
(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho phép hợp tác hình thành bến chung giữa bến cảng container quốc tế Cái Mép và bến cảng quốc tế Cái Mép để tạo thành một cầu bến dài 1.200 m như đề xuất của hai doanh nghiệp khai thác cảng.
Ngày 13-4, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam và hai doanh nghiệp khai thác cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là Công ty TNHH MTV cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải và Công ty TNHH cảng quốc tế Cái Mép về việc nghiên cứu phương án hợp tác hình thành bến chung, theo TTXVN.
Việc kết nối bến chung giữa bến cảng container quốc tế Cái Mép (TCTT) và bến cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho phép khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển để tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng bến cảng đã đầu tư. Việc này cũng giúp thúc đẩy việc thu hút các tàu biển trọng tải lớn, giảm thời gian chờ đợi tàu vào làm hàng tại khu vực Cái Mép.
Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu kết nối bến chung giữa hai cảng biển lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển để tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng bến cảng đã đầu tư. Thêm vào đó là thúc đẩy việc thu hút các tàu biển trọng tải lớn, giảm thời gian chờ đợi tàu vào làm hàng tại khu vực Cái Mép, theo Dangcongsan.vn.
Trong những năm qua, khu cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng sản lượng thông qua khá tốt ở mức hai con số, số lượng tàu mẹ cập các cảng Cái Mép đạt 33 chuyến/tuần. Trong đó, hai cảng CMIT và TCTT tiếp nhận tổng cộng 14 chuyến/tuần.
Kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400 m. Xu hướng trong các năm tiếp theo là các hãng tàu sẽ tiếp tục đóng tàu mới và đưa vào khai thác những tàu có kích cỡ lớn hơn. Đồng thời các hãng tàu có nhu cầu rất lớn về kết nối hàng hóa giữa các chuyến tàu với nhau.
Hiện nay, do mỗi cảng chỉ có 600 m cầu tàu nên khi khai thác riêng lẻ chỉ có thể tiếp nhận một tàu mẹ với chiều dài tàu trên 350 m, với khoảng 200 m cầu tàu còn lại, mỗi cảng không thể tiếp nhận thêm được một tàu container, chỉ có thể khai thác và lan hoặc trong tình trạng nhàn rỗi.
Từ thực tế trên, hiện hai cảng không thể tận dụng được phần năng lực dư thừa của mỗi bên. Trong khi, cầu bến hai cảng có lợi thế tương đồng nhau, có cao trình bến ngang nhau, tuyến mép bến và đường ray cẩu bờ thẳng hàng và có cùng khẩu độ ray nên có thể kết hợp với nhau tạo thành một cầu bến dài 1.200 m và tiếp nhận cùng lúc ba tàu mẹ với chiều dài trên 350 m.
Qua khai thác, hai cảng cũng đã có sự phối hợp và hợp tác bước đầu trong thời gian qua, cụ thể là hỗ trợ xếp dỡ tàu mẹ hoặc sà lan cho nhau tại cầu bến của mình và vận chuyển hàng hóa thông qua cổng kết nối nội bộ.
Kinh tế Sài Gòn Online