UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 với việc phát triển hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với nguồn vốn khoảng 12.500 tỷ đồng. Sử dụng vốn ngân sách và xã hội Theo UBND TP Hà Nội ,…
Sử dụng vốn ngân sách và xã hội
Theo UBND TP Hà Nội , dự kiến nguồn vốn có khoảng 5.800 tỷ đồng vốn ngân sách, trong đó, khoảng 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê, chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này.
Cùng với đó, khoảng 47,5 tỷ đồng để thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với 5 khu nhà ở xã hội tập trung và 2 dự án nhà ở công nhân.
Thành phố huy động nguồn vốn xã hội (ngoài ngân sách) đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội…
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội xác định mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025: nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 – 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 – 3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Cần thay đổi tư duy làm nhà ở xã hội
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa có đánh giá, năm 2023, thị trường bất động sản toàn cầu sẽ diễn biến chậm lại. Thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động. Tuy nhiên, theo dự báo, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho người thu nhập thấp sẽ tăng trưởng bởi dư địa phát triển đô thị tại các thành phố lớn vẫn đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Xây dựng, dự báo nhu cầu về nhà ở sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Tỉ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030.
Với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.
Hai thành phố lớn có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là Hà Nội và TPHCM sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị, với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hằng năm.
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội vừa là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đối tượng chính sách, vừa là đòn bẩy kích thích dòng chảy kinh tế, hoạt động của 38 ngành nghề khác có liên quan đến thị trường bất động sản.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với khoảng 155.800 căn, tương đương với tổng diện tích 7,8 triệu m2.
Nguồn cung nhà ở xã hội đạt được từ thực tế còn một khoảng cách quá lớn so với kỳ vọng đặt ra. Nguyên nhân do quá trình triển khai phát triển nhà ở xã hội còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Mới đây, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Theo đó, các cơ chế đặc thù riêng, đặc biệt về vốn và quỹ đất, để khuyến khích doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội. Đặc biệt, Bộ cũng đề xuất gói vay 110.000 tỷ đồng cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu phát triển nhà ở xã hội giống nhà ở thương mại rồi đưa ra những khung giá không phù hợp với điều kiện thị trường, các nhà đầu tư rõ ràng không mặn mà, vì làm ra sản phẩm còn phải xin phê duyệt về giá bán, cùng những thủ tục phức tạp hơn nhà ở thương mại…
“Do vậy, các cơ quan liên quan cần phải thay đổi tư duy làm dự án nhà ở xã hội theo hướng phải làm để người dân có thể sinh sống lâu dài hoặc đảm bảo người mua sau có cơ hội sở hữu. Muốn tiết kiệm chi phí phải thực hiện các dự án quy mô lớn, còn làm nhỏ không thể giảm. Nếu không làm quy mô lớn, giá vốn khoảng 20 triệu/m2 là bình thường”, ông Thanh nhận định.
Tiền phong