(Chinhphu.vn) – Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, tạo hiệu ứng…
Phát biểu tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng sáng 20/7, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chia sẻ về phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Chủ tịch TP. Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch sẽ là thuận lợi rất lớn để các địa phương tổ chức thực hiện theo cơ chế điều phối, thúc đẩy phát triển Vùng.
Đối với TP. Hà Nội, để phát triển Thủ đô trở thành thành phố thông minh, hiện đại; có các chính sách đặc thù vượt trội gắn với xây dựng Luật Thủ đô để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hà Nội sẽ tập trung vào nhóm nội dung: Cơ sở chính trị, pháp lý phát triển Thủ đô; xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, phát triển kinh tế, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, tập trung phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội, phát triển hạ tầng…
Chủ tịch TP. Hà Nội chia sẻ, trong những năm qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết mang tính chiến lược phát triển dài hạn của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thủ đô Hà Nội được xác định là trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Hiện tại, Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người, là nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước; giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của Vùng.
Quy mô GRDP đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 41,3% quy mô GRDP Vùng đồng bằng sông Hồng và 12,6% GDP bình quân cả nước. Hà Nội có vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của Vùng và khu vực Bắc bộ trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương theo hướng xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng. Ngay sau khi có các Nghị quyết của Trung ương, Hà Nội đã chủ động xây dựng, ban hành các Chương trình hành động, kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô.
“Hà Nội luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với quá trình phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Về xây dựng thể chế, chính sách, Hà Nội đang xây dựng đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để tạo lập không gian phát triển mới, chú trọng các liên kết phát triển vùng và tạo lập nguồn lực mới từ nguồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên số… Theo ông Trần Sỹ Thanh, đây là nội dung mới, phức tạp trong điều kiện các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng đang trong quá trình nghiên cứu triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, Thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và lợi thế so sánh của Thủ đô, sớm đưa Thủ đô trở thành hạt nhân, là động lực phát triển của Vùng và cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia mới được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 ngày 09/01/2023.
Về phát triển kinh tế, Hà Nội định hướng phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; giai đoạn 2026 – 2030 tăng từ 8,0-8,5%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thành phố tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng dịch vụ thông minh; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính và chuyển đổi số, quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế số, xã hội số…
Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, tập trung phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế-xã hội để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả nước. Hà Nội xác định công nghiệp văn hóa trở thành động lực, nguồn lực mới cho quá trình phát triển Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết, kế hoạch về phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP đạt 5% vào năm 2025 và khoảng 8% vào năm 2030.
Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội đã quyết định đầu tư từ ngân sách cấp Thành phố là 49.200 tỷ đồng và ngân sách cấp huyện khoảng 44.000 tỷ đồng cho 03 lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế.
Về phát triển hạ tầng đô thị, Hà Nội xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, hài hòa, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, là cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Phát triển toàn diện mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh và kết nối liên vùng.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu nói trên, nhiều công trình lớn, quan trọng đã được hoàn thành và khởi công xây dựng như: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; Đường vành đai 2 trên cao. Năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội; Đã khởi công đường Vành đai 4 (ngày 25/6/2023)…
Hà Nội cùng 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng đường vành đai 4 vào năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027; Và sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030.
Đối với liên kết phát triển vùng, theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội nói riêng và các địa phương trong Vùng nói chung sẽ tham gia phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động liên kết vùng; hỗ trợ lẫn nhau để khai thác và phát huy tối đa các lợi thế của mỗi địa phương.
Thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tích cực, chủ động tham gia công tác lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng; phối hợp với các địa phương trong Vùng để triển khai các cơ chế liên kết, đảm bảo sự phát triển thống nhất theo Quy hoạch vùng như cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng liên kết vùng; cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực…
Gia Huy