Hà Nội kỳ vọng hoàn thành hơn 410km đường sắt đô thị vào năm 2035

(KTSG Online) – Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, thành phố hướng đến năm 2035 sẽ hoàn thành khoảng 410,8km đường sắt đô thị; từ năm 2036-2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7km. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: TL Baochinhphu.vn…

Fatz Admin lúc 2024-12-30

(KTSG Online) – Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, thành phố hướng đến năm 2035 sẽ hoàn thành khoảng 410,8km đường sắt đô thị; từ năm 2036-2045 hoàn thành thêm khoảng 200,7km.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: TL

Baochinhphu.vn đưa tin, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, diễn ra chiều nay (30-12), đại diện Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km của tuyến số 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông và tuyến số 3 trên cao, đoạn Nhổn – Cầu Giấy.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, đạt tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 từ 50-55% và đạt 65-70% sau năm 2035, UBND thành phố đã chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn chỉnh đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thủ đô.

QUẢNG CÁO

Thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 410,8km đường sắt đô thị. Giai đoạn từ năm 2036-2045, địa phương hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7km đường sắt đô thị, góp phần nâng tổng số chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên khoảng 616,9km.

Tại sự kiện này, nhiều giải pháp được đưa ra để phát triển đường sắt đô thị gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.

Cùng với đó là ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ; đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

Một giải pháp quan trọng khác là tuyển chọn nhà tư vấn quốc tế có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án.

UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội sao cho có tính kết nối với mạng lưới quy hoạch đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn.

Ngoài ra, bộ cần thúc đẩy công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía tây thành phố Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Thạch Lỗi. Đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía đông hoàn thành trước năm 2030 (đoạn Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng – Thạch Lỗi) trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị sớm bàn giao kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi), tuyến đường sắt đô thị số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi) để UBND thành phố triển khai đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ.

Thùy Linh

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.