(KTSG Online) – UBND TP Hà Nội đã trình Bộ KH-ĐT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 – Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương án đối tác công- tư (PPP) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai…
(KTSG Online) – UBND TP Hà Nội đã trình Bộ KH-ĐT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 – Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương án đối tác công- tư (PPP) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 (Vùng thủ đô Hà Nội). Theo quan điểm của UBND TP Hà Nội, với thời gian thu phí là 25 năm kể từ khi đi vào vận hành, dựa trên các chỉ tiêu tài chính đã được tình toán, đảm bảo có lãi cho nhà đầu tư.
Đầu tư gần 86.000 tỉ đồng cho dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô
Hà Nội cam kết đảm bảo 70% mặt bằng sạch để khởi công tuyến Vành đai 4 – vùng thủ đô đúng kế hoạch
Vốn nhà nước và vốn BOT song hành
Dự án thành phần 3 do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư là dự án thành phần lớn nhất trong dự án xây dựng đường Vành đai 4 đã khởi công hồi cuối tháng 6 vừa qua. Trong 113,52 km đường thuộc dự án đường Vành đai 4, có 57,95 km nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau đó đến Hưng Yên, Bắc Ninh và tuyến nối theo cao tốc Nội Bài-Hạ Long.
Để phù hợp với việc quản lý nguồn vốn (vốn ngân sách và vốn đầu tư BOT), Hà Nội đề xuất phân chia dự án thành phần 3 thành các dự án thành phần hạng mục 3.1 (vốn ngân sách); 3.2 (vốn đầu tư BOT). Trong đó, quy mô từng dự án thành phần khác nhau. Ví dụ, dự án 3.1 là đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà và đoạn cao tốc từ Km36+167 tại nút giao quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (gần 10 km)….
Với 57,95 km đường cao tốc và các tiểu dự án xây cầu, nút giao… trên tuyến vành đai 4 tại địa bàn Hà Nội, tổng mức đầu tư dự án là 55.052 tỉ đồng, trong đó có gần 3000 tỉ đồng là dự phòng phí.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án thành phần 3.1 sử dụng vốn ngân sách trung ương là 18.131 tỉ đồng, vốn địa phương là 8.283 tỉ đồng. Dự án thành phần hạng mục 3.2 (xây dựng đường cao tốc) theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) thì vốn do nhà đầu tư thu xếp.
Tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chủ đầu tư đã xác định được một số tiêu chí: giá trị hiện tại ròng (E-NPV) khoảng 10.325 tỉ đồng; tỷ suất nội hoàn (E-IRR) khoảng 14,9%; tỷ suất lợi ích- chi phí khoảng 1,29.
Vốn vay 10,33%/năm đảm bảo có lãi cho dự án
Để khảo sát và tính toán chi phí sử dụng vốn cũng như phương an hoàn vốn, Hà Nội cho biết, phần dự án này tại địa phương sẽ có doanh thu từ nguồn phí sử dụng dịch vụ đường bộ có giá tăng theo lộ trình. Qua khảo sát mức lãi vay tại thời điểm tháng 5/2023 cho dự án đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank… cộng với các tính toán khác về chi phí sử dụng vốn, lạm phát trung bình cho giai đoạn 201-2022 là 3,21%/năm thì xác định ra khung lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Theo đó, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu tối thiểu không thấp hơn lãi vay huy động vốn đầu tư là 11,20%. Lợi nhuận/vốn chủ sở hữu tối đa không vượt chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu là 14,41%/năm (lãi vay và tỷ lệ lạm phát trung bình cộng lại).
Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã triển khai tại văn bản số 31/1/2018 thì mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trung bình tại 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai là 11,77%/năm. Đây cũng là mức lợi nhuận trong báo cáo phương án tài chính điều chỉnh các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 tại bước thiết kế đã được phê duyệt.
Như vậy, trên cơ sở khung lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và tham khảo các dự án tương tự, trong đó việc tham khảo lãi suất vốn vay của các dự án PPP đường bộ cao tốc Bắc-Nam thì cho thấy, phương án xác định lãi suất vay vốn là 10,33% cho dự án thành phần 3. Chủ đầu tư UBND TP Hà Nội đề xuất các chỉ tiêu tài chính xem xét tính khả thi của dự án. Với giá trị hiện tài ròng (NPV) là 15,07% (>0); tỷ suất nội hoàn (IRR) là 10,57%; tỷ suất lợi ích- chi phí (B/C) là 1,005 (>1); tỷ suất chiết khấu của dự án là 10,43% cộng với thời gian thu phí 25 năm thì dự án thành phần 3 đảm bảo hiệu quả tài chính.
Nếu được thẩm định và thông qua phương án tài chính nêu trên, giao cho UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư dự án thành phần thì Hà Nội sẽ nhanh chóng triển khai các tiểu dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, song hành với lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT để thực hiện dự án từ 2022 đến 2027.
Tại dự án này sẽ đảm bảo đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.
Kinh tế Sài Gòn Online