Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất

Dựa trên thực tế, một số địa phương đề xuất rút ngắn bớt thời gian thông báo thu hồi đất đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Theo điều 62 Luật Đất Đai hiện hành quy định, các trường hợp nhà nước có thẩm quyền thu hồi…

Fatz Admin lúc 2023-02-27

Dựa trên thực tế, một số địa phương đề xuất rút ngắn bớt thời gian thông báo thu hồi đất đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

Theo điều 62 Luật Đất Đai hiện hành quy định, các trường hợp nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có các dự án khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Đối với các trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân.

Quy định này đang gây vướng mắc cho doanh nghiệp khi đã hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng không tiếp cận được mặt bằng của mỏ để thực hiện quyền khai thác. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có các quy định giúp giải quyết được vấn đề này.

400 m2 đất thổ cư của gia đình bà Mai ở xã Ba Xuyên, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên được quy hoạch vào mỏ khai thác cát. Gia đình bà chưa đồng ý với phương án đền bù để di dời đến nơi ở mới.

QUẢNG CÁO

“Nếu muốn khu đất này của cô phải chuyển đổi 3 lô đất thì cô mới chuyển nhượng cho”, bà Đồng Thị Mai, xã Ba Xuyên, TP Sông Công, Thái Nguyên, nói.

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Nóng vấn đề thu hồi đất - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa – Ảnh: Dân trí)

Do những bất đồng về giá đền bù của hàng chục hộ dân khác như gia đình bà Mai nên Công ty xây dựng số 18, tỉnh Thái Nguyên hiện mới thu hồi được gần 1/3 diện tích để tiến hành khai thác.

“Chúng tôi đang thu hồi đất bằng việc tự thỏa thuận. Việc tự thỏa thuận khó khăn nên chúng tôi bị chậm tiến độ thực hiện dự án. Đối với những dự án cấp phép khai thác khoáng sản mong muốn được nhà nước thu hồi đất làm sao thỏa đáng với dân và giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Xây dựng số 18, Thái Nguyên, cho biết.

Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), điều 78 quy định, tất cả các dự án khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước cấp phép đều thuộc trường hợp nhà nước đứng ra thu hồi đất trước khi tổ chức đấu giá khai thác khoáng sản. Đây là điểm mới được chính quyền, doanh nghiệp và người dân rất quan tâm.

“Nhiều nơi mỏ diện tích lớn, dân đông, có hộ đòi bồi thường cao so với mặt bằng. Nếu thu hồi đất, theo quy định pháp luật rõ ràng người dân không bị thiệt hại”, ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, cho hay.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trường hợp các dự án khoáng sản được chấp thuận chủ trương đầu tư thì UBND cấp tỉnh có thể đưa vào trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, làm cơ sở thu hồi đất trước khi thực hiện đấu giá dự án khai thác khoáng sản. Nếu quy định này được thực hiện, sẽ bảo vệ lợi ích cho người dân, đảm bảo sinh kế cho người dân trước khi dự án khai thác khoáng sản được thực hiện”, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, đánh giá.

Giải quyết được vấn đề này không chỉ đảm bảo hài hòa quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong các khu vực khai thác khoáng sản, mà còn đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đối với những khu vực đang cần nguồn cung lớn về vật liệu xây dựng.

Góp ý dự Luật Đất đai (sửa đổi) về thu hồi đất

Mới đây, tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của 25 tỉnh, thành phố phía Bắc và các bộ, ngành trung ương, đại diện các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh việc thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Thu hồi đất là vấn đề phức tạp, đặc biệt đối với đất lấn chiếm, đất vi phạm. Nhiều địa phương cho rằng, cần quy định rõ và cụ thể hơn để việc xử lý được nhanh chóng và dứt điểm, tránh tình trạng sai phạm kéo dài.

“Tại điều 80 có quy định về thu hồi đất do vi phạm về pháp luật đất đai có nêu đất không chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này, mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn chiếm thì chúng ta thu hồi. Chỗ này cử tri và nhân dân cũng đề nghị không phân biệt đất có chuyển quyền hay đất không được phép chuyển quyền, đã là đất lấn chiếm thì chúng ta có trách nhiệm thu hồi khi để lấn chiếm”, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nêu quan điểm.

“Về thu hồi đất do vi phạm pháp luật, ở đây, tại điểm b quy định người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất. Chúng ta xác định hành vi cố ý là rất khó. Chúng tôi đề nghị người có hành vi hủy hoại đất mà đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm là thu hồi”, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đề xuất.

Liên quan đến các thủ tục thông báo thu hồi đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thời gian thông báo thu hồi đất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, tuy nhiên dựa trên thực tế, một số địa phương đề xuất rút ngắn bớt thời gian.

“Nhiều khi đối tượng thu hồi đất đôi khi có 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Người ta đã đồng ý, đồng thuận cùng nhóm đất nông nghiệp thì chúng ta có cần thiết theo đúng quy định 180 ngày không. Khi chúng tôi làm, cơ quan kiểm tra cũng có một số ý kiến nhất là các dự án quốc gia trên địa bàn, tiến độ triển khai rất gấp, người ta lập tiến độ địa phương phải giải quyết. Người dân đồng thuận không kiện cáo nhưng khi thanh kiểm tra thì vẫn bảo đối với đất nông nghiệp thì không đủ 90 ngày, đối với đất phi nông nghiệp thì không đủ 180 ngày”, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nói.

Thu hồi đất thường gắn với công tác bồi thường, tái định cư. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần thể chế hóa rõ hơn các quy định tiêu chí thế nào là tốt hơn nơi ở cũ để các địa phương có căn cứ áp dụng.

Theo Ban Thời sự

VTV.vn

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.