(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị UBND TPHCM có ý kiến thống nhất thỏa thuận phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot (tập kết tàu) và trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam,…
(KTSG Online) – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị UBND TPHCM có ý kiến thống nhất thỏa thuận phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot (tập kết tàu) và trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, đoạn đi qua địa phận TPHCM.
Thực tế, cà Bộ GTVT và TPHCM đều đồng tình chọn ga Thủ Thiêm có diện tích xây dựng gần 17,2 héc ta như đề xuất của tư vấn từ 5 năm trước.
Bộ GTVT đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để hoàn thiện chủ trương đầu tư đề án này trong tháng 9/2023 và trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2023. Do đó, sau khi lấy ý kiến của 20 địa phương có dự án đi qua, Bộ GTVT xin ý kiến cuối cùng của TPHCM do liên quan đến phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng đoạn đi qua địa bàn thành phố.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) đã được nghiên cứu theo nhiều giai đoạn. Trong đó, tổng hướng tuyến từ Hà Nội đến TPHCM được nghiên cứu vào năm 2010. Riêng đoạn Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang được cập nhật, nghiên cứu chi tiết hơn trong báo cáo của JICA năm 2013. Năm 2018, liên danh tư vấn dự đã tiến hành nghiên cứu, rà soát và thỏa thuận hướng tuyến ĐSTĐC trên toàn tuyến với 20/20 địa phương tuyến đi qua. Các địa phương đều có văn bản đồng thuận với Bộ GTVT về hướng tuyến ĐSTĐC trên địa bàn tỉnh và cập nhật trong các đồ án quy hoạch của tỉnh.
Tháng 4/2023, liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi rà soát hướng tuyến, so sánh với phương án của tư vấn thẩm tra và đề xuất hướng tuyến cuối cùng thống nhất với địa phương.
Riêng đoạn qua TPHCM, sau khi vượt sông Đồng Nai về phía hạ lưu cầu Long Khánh của tuyến đường bộ cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến đường sắt đi vào địa phận TPHCM. Tuyến đi song song và chung hành lang về phía nam đường bộ cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Trên địa phận TPHCM, tuyến giao cắt với nút giao đường Vành đai 3, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Vành đai 2, đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao An Phú về ga Thủ Thiêm. Ga Thủ Thiêm (phường An Phú, quận 2) có diện tích khoảng 17,2 héc ta và là ga đầu mối phía nam của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Vị trí ga tại TPHCM đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao và các hệ thống giao thông của khu đô thị mới Thủ Thiêm và của TPHCM. Khu vực quảng trường ga Thủ Thiêm là không gian xây dựng các điểm dừng xe buýt, bãi đỗ taxi, ga của tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2), kết nối quảng trường ga với trục Đông – Tây (đại lộ Mai Chí Thọ) vào trung tâm TPHCM qua hầm Thủ Thiêm. Đồng thời, khu vực xung quanh quảng trường ga được quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hướng tuyến như trên đã đảm bảo kết nối hướng tuyến các địa phương liền kề (Đồng Nai ở phía bắc); đáp ứng các tiêu chí chiều dài tuyến ngắn, hạn chế ảnh hưởng tới các công trình hiện hữu, bám sát để đi về vị trí ga được lựa chọn.
Cùng với vị trí quy hoạch nhà ga tại Thủ Thiêm, depot Long Trường đã được quy hoạch tại phường Long Trường, quận 9 cho tuyến đường sắt TPHCM – Nha Trang (trong phạm vi nghiên cứu đường sắt khu đầu mối). Vị trí depot được quy hoạch nằm gần nút giao đường cao tốc Long Thành – Giầu Dây và đường Vành đai 3.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, liên danh tư vấn lập dự án, ý kiến của liên danh tư vấn thẩm tra, đại diện Sở GTVT TPHCM đã từng thống nhất với phương án đề xuất của tư vấn. Cụ thể, hướng tuyến và vị trí ga đi qua địa phận TPHCM giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND thành phố thống nhất với Bộ GTVT năm 2018. Nay, cần thống nhất lại lần cuối với UBND thành phố về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng của dự án trên địa bàn thành phố vào cuối tháng 8 này.
Kinh tế Sài Gòn Online