Đây là hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hằng tháng kể từ tháng 7-2022. Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong Quý I năm 2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhắc đến nhiều khó khăn của kinh tế thế giới và cả Việt Nam. Theo đó, kinh tế thế giới và cả Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt…
Quang cảnh hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3-2023. |
Dù vậy từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32%, tuy nhiên giảm so với cùng kỳ. Tổng mức tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD – giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD)…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022.
Đồng thời, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. |
Tại hội nghị, đại diện nhiều Thương vụ đã báo cáo cập nhật thông tin thị trường nước sở tại.
Về thị trường Hoa Kỳ, Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm…
Còn theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với 2022.
Tuy nhiên, bà Trần Thu Quỳnh cũng cảnh báo một số lĩnh vực mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Cụ thể, mặt hàng thủy sản sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn nữa từ các đối thủ cạnh tranh sắp có / có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ; mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập…; mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời có nhiều nguy cơ nếu Hoa Kỳ quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm này của Trung Quốc và các nước sử dụng đầu vào từ Trung Quốc.
Đối với thị trường EU, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật – điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như gạo, các loại hạt, nên doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thu hút hơn 400 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp. |
Thị trường Trung Quốc nhận được sự quan tâm của các đại biểu, nhất là doanh nghiệp và địa phương. Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc bày tỏ, từ khi mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại có thuận lợi nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, cạnh tranh hàng hóa sẽ lớn hơn rất nhiều so với thời gian trước; Trung Quốc kiểm soát ngày một chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trên cơ sở đó, ông Nông Đức Lai cũng đưa ra nhiều lưu ý về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, các bộ, ngành liên quan và địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào trong nước nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng tổ chức thực hiện Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài định kỳ hằng tháng; trở thành diễn đàn kết nối, cập nhật thông tin thị trường nước ngoài hữu ích, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu thiết thực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đối với các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nước.
Tin, ảnh: PHÚC THẢO