(Chinhphu.vn) – “Các Bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ KHĐT…đã không còn đứng ở vai giám sát, chỉ đạo, mà khi đó đã xắn tay vào làm cùng ACV. Bộ KHĐT đã trực tiếp rà soát từng hạng mục, từng đầu công việc cùng…
Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, từ đầu năm đến nay, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Trong đó, tiêu biểu một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ GTVT; Bộ NN&PTNT; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các địa phương: Nam Định; Thanh Hóa; Lào Cai; Phú Thọ; Bà Rịa Vũng Tàu; Tiền Giang.
Những đơn vị số giải ngân tuyệt đối cao là: Bộ GTVT (24,4 nghìn tỷ đồng); Hà Nội (22,6 nghìn tỷ đồng); TPHCM (11 nghìn tỷ đồng). Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã rất nỗ lực triển khai đường dây 500 kV mạch 3, Tổng Công ty Cảng hàng không tích cực triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành…
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung phát biểu của các đại biểu, thể hiện trách nhiệm, sát thực tế, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng để tổ chức thực hiện hiệu quả trong 6 tháng cuối năm 2024.
Là một trong những Bộ ngành đạt kết quả giải ngân cao nhất trong cả nước, tính đến hết tháng 6/2024, Bộ GTVT đã giải ngân là 25.500/ 59.274 tỷ đồng vốn được giao, đạt tỷ lệ 41,16%. Con số này cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (trung bình cả nước giải ngân đạt khoảng 28,2%).
Chia sẻ tại Hội nghị về bài học kinh nghiệm để đạt được kết quả nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ngành giao thông đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua.
Bài học đầu tiên đó là ngành GTVT quán triệt và thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác chỉ đạo điều hành thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương chính là yếu tố quyết định trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, Bộ GTVT thực hiện phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, xác định trách nhiệm người đứng đầu gắn với xếp loại và kiểm tra công vụ. Trong phân công nhiệm vụ, Bộ GTVT thực hiện phân công có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, phê bình, kỷ luật, làm việc nào dứt việc đó.
Thứ ba, Bộ GTVT tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được giao trong năm 2024, ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Những kết quả đạt được của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng là điểm sáng trong bức tranh đầu tư công. Các dự án của ACV được Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ ngành ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao trong công tác đảm bảo tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, ngành GTVT; làm tốt vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước.
Tính đến hiện tại ACV đã hoàn thành: đưa Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vào khai thác, phục vụ tốt Lễ kỷ niệm quốc gia 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Khởi công Dự án mở rộng nhà ga T2 – Cảng HKQT Nội Bài; hoàn thành 60% khối lượng Dự án Nhà ga T3 -Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Khởi công và triển khai đồng bộ các gói thầu của dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết: Thời gian đầu triển khai dự án Cảng HKQT Long Thành, có những giai đoạn ACV khá ‘bi quan’ vì nhiều khó khăn cản trở, đặc biệt thời điểm hạng mục quan trọng nhất của sân bay -Nhà ga- chưa thể khởi công do Ban quản lý dự án yếu kém, nhân lực chưa tập trung cho một siêu dự án lớn… Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp yêu cầu các Bộ, ngành địa phương vào cuộc cùng ACV thì những khó khăn đó đã xử lý được.
“Các Bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ KHĐT…đã không còn đứng ở vai giám sát, chỉ đạo nữa, mà khi đó đã xắn tay vào làm cùng ACV. Bộ KHĐT đã trực tiếp rà soát từng hạng mục, từng đầu công việc cùng ACV thì chúng tôi mới có thể thực hiện đấu thầu lần 2 thành công. Chúng tôi vẫn tâm niệm ‘phải nắm thắt lưng các Bộ’, gắt gao bám sát từng công việc thì mọi khó khăn đều giải quyết được. Đến thời điểm hiện tại, những rào cản từ chính sách, cơ chế đều đã được xử lý”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch ACV còn cho biết, bài học kinh nghiệm nữa đó là sát cánh, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công, giải quyết nhanh nhất những khó khăn họ gặp phải trong quá trình làm việc. Đơn cử như khi nhà thầu gặp vướng mắc về ngưỡng tạm ứng vốn, ACV đã ngay lập tức xử lý tình thế bằng cách tự ứng vốn cho nhà thầu khi nguyên liệu, hàng hoá đưa đến công trình sau đó mới hoàn thiện các thủ tục tạm ứng để không chậm trễ thời gian thi công.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, ACV tiếp tục quản trị tốt dòng tiền, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giải ngân các dự án trọng điểm và đảm bảo thu nhập của người lao động. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11.061 tỷ đồng, chiếm 54,42% kế hoạch năm, tăng 21,68% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 5.983 tỷ đồng, chiếm 63,8% kế hoạch năm. Nộp ngân sách ước đạt 1.847 tỷ đồng; thực hiện quyết toán tài chính năm 2023.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh giải ngân đầu tư công của đất nước đó là dự án thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối là một dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô lớn với chiều dài khoảng 519km mạch kép đi qua 9 tỉnh, trong đó 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có tổng số 786/1177 cột, chiếm gần 70% khối lượng thi công.
Theo đánh giá, công trình có khối lượng thi công rất lớn, đồ sộ, thời gian thi công đến khi hoàn thành phải kéo dài từ 3 đến 4 năm, tương tự như các công trình đã triển khai trước đây. Tuy nhiên, dự án này khởi công ngày 18/1/2024 và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7/2024 để đáp ứng nhu cầu điện của toàn miền Bắc.
Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đóng điện các dự án thành phần quan trọng: trạm biến áp 500kV Thanh Hóa; đường dây 500kV Nam Định 1 – Thanh Hóa và 2 hạng mục mở rộng ngăn lộ, lắp kháng 500kV tại các trạm biến áp 500kV Phố Nối và sân phân phối 500kV Nhiệt điện Quảng Trạch. EVN đang tiếp tục chỉ đạo EVNNPT và các đơn vị huy động mọi lực lượng để thi công khối lượng còn lại và hoàn tất các thủ tục kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật.
Với tinh thần trách nhiệm cao, “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, EVN và các đơn vị, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân trên công trường thi công dự án thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.
Nói về bài học kinh nghiệm khi thực hiện dự án thần tốc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Gíam đốc EVN cho biết: Với sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương; sự vào cuộc có hiệu quả của cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền địa phương từ các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương đến các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; sự đồng thuận, đồng lòng người dân nơi có dự án đi qua; đồng thời sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, sát sao, bám sát công trường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia nên đã rút ngắn được thời gian thi công các dự án.
“Thủ tướng trực tiếp kiểm tra và động viên công nhân tại công trường và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị đã tạo nên một không khí hăng say thi công chưa từng có tại một dự án nào trước đây”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Tiền Giang là trên 5.563 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2024, Tiền Giang đã giải ngân được hơn 2.267 tỷ đồng, đạt 47,42%. Với tỉ lệ giải ngân ngưỡng cao, Tiền Giang tiếp tục vào TOP những địa phương có tỉ lệ giải ngân cao nhất nước.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay sau khi nhận nguồn vốn giao, tỉnh Tiền Giang đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án triển khai mới và các dự án chuyển tiếp trong năm 2024.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định việc lựa chọn nhà thầu, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, công trình phù hợp với tính chất của các gói thầu. Tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, mạnh dạn điều chuyển vốn từ các dự án có khối lượng thực hiện thấp sang các dự án có khối lượng cao cần bổ sung vốn thanh toán khối lượng hoàn thành kịp thời.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, đưa ra các giải pháp kịp thời giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với giải ngân nhanh vốn đầu tư công.
Năm 2024, tỉnh Tiền Giang tiếp tục cam kết giải ngân 100% vốn được giao như các năm trước đây.
Phan Trang