Giá dầu thế giới

Tuần trước, giá dầu đã phi mã, với dầu Brent tăng hơn 7%, dầu WTI tăng hơn 9%. Đà tăng này của giá dầu đã tiếp tục được kéo dài sang tuần này.

Đặc biệt, ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, quyết định tự nguyện giảm sản lượng dầu của nhiều thành viên OPEC+ đã tiếp thêm đà cho giá dầu tăng vọt hơn 6%. Đáng chú ý là trong phiên giao dịch này, có thời điểm giá dầu tăng xấp xỉ 8%.

Giá xăng dầu tuần này biến động mạnh bởi quyết định cắt giảm sâu sản lượng của OPEC+. Ảnh minh họa: Reuters 

Sự tăng phi mã này của giá dầu là do thị trường quá sốc với động thái của OPEC+ khi mà phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng nhóm này sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 10-2022, vốn đã làm rung chuyển thị trường một thời gian.

Theo Reuters, OPEC+ sẽ hạ mục tiêu sản xuất thêm 1,66 triệu thùng/ngày. Như vậy, tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu. Việc cắt giảm này theo OPEC là để phòng ngừa nhằm hỗ trợ thị trường dầu ổn định.

Việc cắt giảm tự nguyện của các thành viên của OPEC+ sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết năm. Ả Rập Xê-út cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày;  Nga 500.000 thùng/ngày; Iraq 211.000 thùng/ngày; UAE 144.000 thùng/ngày; Algeria 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan 78.000 thùng/ngày; Gabon 8.000 thùng/ngày.

Dữ liệu về chỉ số PMI sản xuất của Mỹ và hoạt động sản xuất yếu kém ở Trung Quốc đã kiềm chế đà tăng của giá dầu khiến hai mặt hàng dầu chuẩn gần như đi ngang ở phiên giao dịch thứ hai và ba của tuần. Trong tháng 3, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 46,3, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020, thấp hơn so với mức 47,7 trong tháng 2.

Chris Low, nhà kinh tế trưởng tại FHN Financial ở New York, nhận xét nếu chỉ số PMI được duy trì ở mức trên 50 vào tháng 4 thì nền kinh tế Mỹ nói chung sẽ ổn. Tuy nhiên, sức khỏe của ngành sản xuất có liên quan đến sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế và chỉ số thấp như nói trên khiến nhiều nhà kinh tế quan ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Trong tuần, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31-3; dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm sâu hơn dự kiến với mức giảm lần lượt là 4,1 triệu thùng và 3,6 triệu thùng.

Giá dầu đã đánh dấu tuần tăng thứ ba liêp tiếp sau phiên giao dịch thứ tư của tuần vì thứ Sáu tuần này là ngày lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) nên không có giao dịch.

Kết thúc phiên giao dịch thứ tư, giá dầu chỉ tăng nhẹ chưa đến 20 cent. Giá dầu tuần này đã lập hat-trick tăng do thị trường cân nhắc việc cắt giảm sâu sản lượng của OPEC+ và sự sụt giảm trong tồn kho dầu của Mỹ làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Mặc dù không có giao dịch trong ngày thứ Sáu, nhưng dữ liệu việc làm của Mỹ được đưa ra vào ngày này sẽ tác động không nhỏ đến biến động của giá dầu tuần sau.

Giá xăng dầu được dự báo vẫn tiếp tục tăng. Ảnh minh họa: Reuters 

Tăng trưởng việc làm của Mỹ, theo Reuters, đang chậm lại nhưng nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn tạo thêm 236.000 việc làm trong tháng 3 và đạt mức tăng việc làm trung bình 345.000/tháng trong quý đầu tiên.

Báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 đã giảm xuống 3,5% từ mức 3,6% trong tháng 2. Tiền lương trung bình mỗi giờ tăng 0,3%, cao hơn một chút so với tháng trước đó.

Với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng, nhiều nhà kinh tế tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào đầu tháng tới.

Nhận xét về giá dầu trong thời gian tới, Stephen Brennock của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết đà tăng giá của thị trường dầu mỏ có thể đã tạm dừng, nhưng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, tiềm năng tăng giá vẫn còn.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9-4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.082 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.125 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.430 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.037 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.429 đồng/kg.

MAI HƯƠNG