Giá dầu thế giới
Giá dầu tuần này đã tăng liên tục 5 phiên lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng.
Giá dầu bắt đầu tuần bằng mức tăng nhẹ chưa đến 1%, được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt bởi OPEC+ và các nhà máy lọc dầu của Nga giảm công suất do bị tấn công.
Giá dầu duy trì đà tăng tuần. Ảnh minh họa: Reuters |
Lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng của Nga gia tăng cùng với xung đột leo thang ở khu vực Trung Đông tiếp tục giúp giá dầu tăng gần 2% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Giá dầu duy trì đà tăng còn bởi dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 29-3, tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm lần lượt là 2,3 triệu thùng và 1,416 triệu thùng.
Giá dầu đã từ bỏ một phần mức tăng ở đầu phiên giao dịch thứ 3 của tuần khi thị trường tiếp nhận báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng, ngược so với dữ liệu giảm 2,3 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ. Trong phiên giao dịch này, giá dầu tăng chưa đến 50 cent.
Việc OPEC+ vẫn giữ nguyên quyết định cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày, cùng với nguy cơ gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông khi Iran, nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC, tuyên bố sẽ trả thù Israel sau vụ tấn công làm thiệt mạng nhiều quan chức quân sự cấp cao của nước này tiếp tục đẩy giá dầu leo dốc thêm hơn 1 USD ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Đáng chú ý là trong phiên, đã có thời điểm giá dầu Brent tăng vượt mốc 91 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã chính thức vượt mốc 91 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch cuối cùng của tuần ở mức 91,17 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng đóng cửa ở mức cao, 86,91 USD/thùng. Tính cả tuần, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã tăng hơn 4%, ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp.
Giá dầu tuần này leo dốc một phần còn bởi công suất lọc dầu tại các nhà máy lọc dầu của Nga có thể giảm hơn 15%. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng nhiên liệu của Moscow.
Mọi con mắt vẫn đang dõi theo phản ứng của Iran vì lo ngại căng thẳng ở Trung Đông leo thang sẽ càng thắt chặt nguồn cung, đồng nghĩa với việc đà tăng của giá dầu khó có thể chững lại.
Tồn kho dầu của Mỹ tăng là yếu tố hạn chế đà tăng mạnh của giá dầu trong tuần. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7-4 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 23.916 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 24.801 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.988 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 21.015 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.296 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 4-4. Cụ thể, trong khi giá xăng E5 RON 92 tăng 291 đồng/lít, giá xăng RON 95-III lại giảm 15 đồng/lít. Cả 3 mặt hàng dầu đều tăng với dầu diesel tăng cao nhất, 295 đồng/lít; dầu hỏa tăng ít nhất, 136 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.