Giá dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 5 giờ 30 phút ngày 7-10 (giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI cùng giảm xấp xỉ 1%.
Tuần trước, giá dầu đã có một bước nhảy vọt với 4 phiên tăng giá liên tiếp và 1 phiên giảm nhẹ. Sự bất ngờ tăng tốc của giá dầu được hỗ trợ bởi lo ngại xung đột tại Trung Đông leo thang sẽ làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu từ khu vực sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Giá dầu bắt đầu tuần mới với dầu Brent và WTI cùng lao dốc gần 1%. Ảnh minh họa: Offshore Technology |
Rủi ro địa chính trị đã chi phối thị trường dầu mỏ sau khi Iran bắn gần 200 tên lửa vào Israel. Ngay khi thị trường tiếp nhận tin tức này, giá dầu đã bật tăng khoảng 3% tại phiên giao dịch thứ 2. Lo ngại khả năng Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran và hành động trả đũa của Iran đã khiến giá dầu tăng vọt thêm hơn 6% ở 2 phiên giao dịch sau đó.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong tuần trước là dữ liệu tồn kho xăng dầu của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo EIA, trong tuần kết thúc vào ngày 27-9, tồn kho dầu của Mỹ tăng 3,9 triệu thùng, ngược so với ước tính giảm 1,5 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ; tồn kho xăng tăng 1,1 triệu thùng.
Một nhân tố cũng giúp “hạ nhiệt” giá dầu là thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “can ngăn” Israel thay vì nhắm vào các mỏ dầu của Iran thì nên cân nhắc các giải pháp thay thế.
Liên quan đến nguồn cung, Hội đồng bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng dầu: Bắt đầu tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày/tháng từ tháng 12. Đáng chú ý là lệnh cấm vận dầu mỏ của Libya đã được dỡ bỏ, điều đó đồng nghĩa với khoảng 700.000 thùng dầu thô/ngày sẽ sớm trở lại thị trường.
Các nhà phân tích tin rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), chủ yếu là các nhà sản xuất ở Trung Đông là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), có đủ công suất dự phòng để bù đắp cho khả năng mất nguồn cung từ thành viên Iran.
Giá dầu tuần này sẽ duy trì đà tăng tuần hay sẽ đảo chiều? Ảnh minh họa: Reuters |
Cũng trong tuần trước dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy trong tháng 9, 254.000 việc làm đã được bổ sung vào bảng lương phi nông nghiệp, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường ở mức 150.000 việc làm. Cũng trong tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức 4,1% so với mức 4,2% hồi tháng 8. Các dữ liệu này đã dập tắt hy vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 11.
Tuần này, yếu tố có thể tác động đến giá dầu ngoài rủi ro địa chính trị phải kể đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 9 để xem liệu áp lực lạm phát có tiếp tục giảm hay không để biết được liệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có tiếp tục chu kỳ nới lỏng? Cũng trong tuần này, biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của Fed cũng sẽ được công bố.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7-10 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 18.850 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 19.803 đồng/lít. Dầu diesel không quá 17.401 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.651 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.003 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 10-10. Do giá xăng dầu thế giới tuần qua tăng mạnh nên nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, giá có thể đảo chiều nếu giá xăng dầu thế giới tuần này giảm sốc.
Tại kỳ điều giá gần đây nhất (ngày 3-10), giá xăng E5 RON 92 giảm 770 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 715 đồng/lít, dầu diesel giảm 105 đồng/lít, dầu hỏa giảm 222 đồng/lít, dầu mazut giảm 354 đồng/kg.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.