Giá dầu thế giới

OPEC+ đang nhóm họp tại Vienna (Áo) để thảo luận về chính sách sản lượng của mình. Nhiều nguồn tin cho Reuters biết, nhóm này đang cân nhắc cắt giảm thêm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày. Nếu quyết định này được đưa ra, cùng với việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày trong cuộc họp hồi tháng 4 và 2 triệu thùng/ngày cuối năm ngoái, tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 4,6 triệu thùng/ngày, tương đương 4,5% nhu cầu toàn cầu.

Quyết định của OPEC+ sẽ tác động đến sự tăng, giảm của giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Oilprice 

Lần nhóm họp này của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu đang tăng mạnh trở lại sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của mình sau hơn một năm tăng “nóng” để kiềm chế lạm phát.

Mặc dù giá dầu tăng vào hai phiên cuối cùng của tuần, nhưng cú giảm sâu ở phiên trước đó do lo ngại về cú sốc tài chính cho toàn cầu nếu Thượng viện Mỹ không thông qua dự luật trần nợ công đã khiến giá dầu giảm khoảng 1% cả tuần, cắt đứt chuỗi tăng hai tuần liên tiếp.

Từ trung tuần tháng 4 đến nay, giá dầu đã giảm hơn 12%. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu Brent đang được giao dịch ở mức 76,13 USD/thùng, dầu WTI ở mức 71,74 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đều xa mốc 80 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục đà giảm trong bối cảnh cầu yếu, cung yếu.

Tăng trưởng kinh tế yếu tại Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã kéo lùi triển vọng về nhu cầu nhiên liệu. Sự phục hồi kinh tế không đồng đều ở quốc gia Đông Á và lo ngại nguy cơ vỡ nợ công ở xứ sở cờ hoa thời gian qua đã gây áp lực lên giá dầu bất chấp quyết định cắt giảm sản lượng sâu gây sốc thị trường của OPEC+.

Để khôi phục lại giá dầu, OPEC+ cần cắt giảm thêm sản lượng. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã lên tiếng cảnh báo những người đầu cơ đặt cược giá dầu giảm phải “coi chừng” thiệt hại. Lời cảnh báo này được hiểu là OPEC+ sẽ tiếp tục chính sách cắt giảm thêm sản lượng của mình. Nhưng phía Nga lại nhấn mạnh rằng, chính sách sản lượng sẽ được giữ nguyên. Những ý kiến trái chiều này đã khiến thị trường dầu “biến động” trong nhiều phiên giao dịch.

 Giá xăng dầu sẽ tiếp đà tăng ở hai phiên cuối tuần? Ảnh minh họa: Getty Images

Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty phân tích và dữ liệu OANDA, “không ai muốn bán khống dầu thô khi tham gia cuộc họp OPEC+ vào cuối tuần. Các nhà giao dịch không bao giờ nên đánh giá thấp những gì Saudi Arabia sẽ làm và tận dụng trong các cuộc họp của OPEC+”.

Liệu giá dầu sẽ tăng tốc hay “hạ nhiệt”? Câu trả lời sẽ có vào hôm nay (4-6) khi OPEC+, nhóm cung ứng khoảng 40% lượng dầu thô cho thế giới, ra quyết định về chính sách sản lượng của mình.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4-6 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.943 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.771 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.883 đồng/kg.

MAI HƯƠNG