Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 6%. Sự tăng tốc đột ngột ngày của giá dầu được tiến hành đúng một ngày sau khi OPEC+ gây chấn động thị trường với kế hoạch cắt giảm sâu sản lượng, làm dấy lên lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung trong khi một số cảnh báo về nhu cầu giảm nếu các nhà máy lọc dầu do dự khi trả giá cao hơn cho dầu thô.

Giá xăng dầu liên tục biến động. Trong ảnh: Giá dầu Brent lúc giảm sâu, tăng cao từ đầu năm ngoái đến nay. Ảnh: Reuters 

Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 5,04 USD, tương đương 6,3%, lên mức 84,93 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent đã chạm mức 86,44 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 7-3. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 4,75 USD, tương đương 6,3%, lên mức 80,42 USD/thùng sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai tháng trong phiên.

Ngày 2-4, OPEC+ đã gây sốc thị trường với thông báo sẽ hạ mục tiêu sản xuất thêm 1,16 triệu thùng/ngày. Các cam kết mới này đã nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày bao gồm cả việc cắt giảm 2 triệu thùng vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.

OPEC đã mô tả việc cắt giảm là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ thị trường dầu ổn định.

Theo Reuters, việc cắt giảm tự nguyện của các thành viên của OPEC+ sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm. Ả Rập Xê-út cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Iraq tuyên bố sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày; UAE 144.000 thùng/ngày; Algeria 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan 78.000 thùng/ngày; Gabon 8.000 thùng/ngày. Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.

Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế suy yếu và dự trữ dầu tăng đã hỗ trợ cho quyết định này. Tháng trước, giá dầu Brent giao dịch gần 70 USD/thùng, mức thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại nhu cầu suy yếu.

Kể từ giữa tháng 12-2022, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng khá đều đặn và đạt mức cao nhất trong hai năm vào tuần kết thúc vào ngày 17-3. Theo nhà phân tích Bob Yawger, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cũng khiến một số lượng lớn dầu thô của Nga tìm nơi trú ngụ.

Tuy nhiên, việc hạn chế sản lượng của OPEC+ đã khiến hầu hết các nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Yawger và nhiều nhà phân tích nhận xét, sự tăng giá của dầu Brent có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ các ngân hàng trung ương và dần dần đẩy các nền kinh tế đến gần suy thoái hơn.

Theo Reuters, hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm vào tháng 3 và có thể giảm hơn nữa do tín dụng thắt chặt hơn và chi phí đi vay cao hơn.

Giá xăng dầu trở về trái chiều sau khi Brent và WTI cùng tăng mạnh. Ảnh minh họa: Getty 

Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích thị trường tại City Index, cho biết lạm phát tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới do giá dầu tăng cao sẽ dẫn đến nhiều đợt tăng lãi suất hơn.

“Mọi người sẽ không ngừng lái xe hoặc di chuyển bằng máy bay vì giá dầu cao. Do đó, nhu cầu có thể chỉ bị ảnh hưởng vừa phải bởi giá dầu tăng”, Razaqzada nói.

Tuy nhiên, trong dài hạn, nhu cầu năng lượng có thể sụt giảm nếu các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động để đối phó với chi phí đầu vào tăng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4-4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.082 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.125 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.430 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.037 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.429 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 3-4. Giá xăng RON 95 và E5 RON 92 cùng tăng nhẹ gần 100 đồng/lít; trong khi đó, giá dầu diesel tăng gần 130 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 425 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 50 đồng/kg.

Ở kỳ điều hành này, liên Bộ đã thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít; dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG