Giá dầu thế giới
Giá dầu “lao dốc không phanh” trong phiên giao dịch ngày 3-4, kết thúc phiên với mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022, sau khi OPEC+ bất ngờ đồng ý tăng sản lượng trong bối cảnh thị trường chao đảo bởi mức thuế quan mới của Mỹ.
Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ và mức thuế quan mới công bố của Mỹ đã đẩy giá dầu “trượt dốc” sâu trong phiên giao dịch ngày 3-4. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent giảm 4,81 USD, tương đương 6,42% (mức giảm phần trăm lớn nhất của dầu Brent kể từ ngày 1-8-2022), xuống mức 70,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 4,76 USD, tương đương 6,64% (mức giảm phần trăm lớn nhất của dầu WTI kể từ ngày 11-7-2022), xuống mức 66,95 USD/thùng.
Theo Reuters, tại cuộc họp của các bộ trưởng ngày 3-4, các nước OPEC+ đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch tăng sản lượng dầu với mục tiêu bổ sung cho thị trường 411.000 thùng/ngày trong tháng 5, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với kế hoạch tăng 135.000 thùng/ngày trước đó.
Angie Gildea, Giám đốc năng lượng tại KPMG Mỹ cho biết: Nền kinh tế và nhu cầu dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thị trường vẫn đang chịu tác động của thuế quan, nhưng sự kết hợp giữa sản lượng dầu tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu hơn gây áp lực giảm đối với giá dầu và có thể mở ra một chương mới trên thị trường đầy biến động.
Giá dầu đã giảm khoảng 4% trước cuộc họp của OPEC+, khi các nhà đầu tư lo ngại mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2-4 sẽ làm leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu, hạn chế tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu nhiên liệu.
Ngày 2-4 (giờ địa phương), ông Donald Trump đã công bố mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ – nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – và mức thuế cao hơn nhiều đối với các sản phẩm từ hàng chục quốc gia. Nhà Trắng cũng cho biết việc nhập khẩu dầu, khí đốt và các sản phẩm tinh chế được miễn thuế mới.
Các nhà giao dịch và nhà phân tích hiện dự đoán giá dầu sẽ biến động nhiều hơn trong thời gian tới, do thuế quan có thể thay đổi khi các quốc gia cố gắng đàm phán mức thuế thấp hơn hoặc áp dụng mức thuế trả đũa.
Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Ảnh minh họa: Reuters |
Theo nhà phân tích Tamas Varga của PVM, xét các biện pháp đối phó sắp tới cùng phản ứng ban đầu của thị trường, khả năng cao là sẽ xảy ra suy thoái và lạm phát đình trệ. Giải thích về điều này, nhà phân tích cho biết, bởi thuế quan cuối cùng do người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước chi trả nên khi chi phí tăng lên sẽ cản trở sự gia tăng của cải kinh tế.
Cũng hỗ trợ giá dầu trượt dốc là dữ liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh 6,2 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4-4 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.373 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 20.919 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.478 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 18.735 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.026 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 3-4. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng và những phiên giao dịch đầu tuần tăng nên giá xăng dầu trong nước đã đồng loạt tăng, ghi nhận lần tăng thứ 3 liên tiếp. Giá xăng E5 RON 92 tăng 341 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 495 đồng/lít, dầu hỏa tăng 211 đồng/lít, dầu diesel tăng 261 đồng/lít, dầu mazut tăng 124 đồng/kg.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.