Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26-9, giá dầu tăng gần 1%, lấy lại được những mất mát đầu phiên xuống mức thấp nhất trong 2 tuần, do kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt đè nặng lên triển vọng kinh tế không chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu.

 Giá xăng dầu đã lấy lại được đà tăng. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 67 cent, tương đương 0,7%, lên mức 93,96 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 71 cent, tương đương 0,8%, lên mức 90,39 USD/thùng.

Ngày 25-9, Nga đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel. Theo đó việc xuất khẩu các sản phẩm này có thể được tiếp tục, trong khi dầu khí có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn và nhiên liệu dùng để tiếp nhiên liệu sẽ được miễn lệnh cấm. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao vẫn được áp dụng.

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu vẫn thắt chặt do Nga và Saudi Arabia kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm.

Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM, nhận xét: “Nguồn cung dầu dự kiến sẽ áp đảo nhu cầu trong tương lai gần, vì vậy, bất kỳ sự suy yếu nào, ngay cả khi gây “sửng sốt”, cũng sẽ không kéo dài”.

Reuters cho biết, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) những ngày gần đây đã nhắc lại cam kết chống lạm phát, báo hiệu chính sách thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài lâu hơn dự đoán trước đây. Lãi suất cao hơn làm chậm tăng trưởng kinh tế, kéo theo hệ lụy là hạn chế nhu cầu dầu mỏ.

Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC cho biết các sản phẩm tinh chế vẫn chịu áp lực do lo ngại giá dầu cao hơn trong thời gian dài hơn kết hợp với lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể làm giảm nhu cầu.

Hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên là sự tăng vọt của đồng USD. Trong ngày 26-9, đồng bạc xanh đã đạt mức cao nhất trong 10 tháng bởi lãi suất trái phiếu cao hơn đã thu hút các nhà đầu tư hướng tới loại tiền tệ này. Đồng USD mạnh hơn thường gây áp lực lên nhu cầu dầu vì nó trở nên đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu so với đồng nội tệ của họ.

Cơ quan xếp hạng Moody’s ngày 25-9 cho biết việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ gây tổn hại đến tín dụng của nước này. Cảnh báo của Moody’s được đưa ra sau khi Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ xuống một bậc do cuộc khủng hoảng trần nợ.

Theo nhà phân tích Varga, “mối đe dọa từ việc chính phủ Mỹ đóng cửa và tác động tiềm tàng của nó đối với xếp hạng tín dụng của nước này cũng có thể là một yếu tố khiến dầu mỏ ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đạt được mục tiêu thần kỳ 100 USD/thùng”.

Trong ngày 26-9, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng khoảng 1,6 triệu thùng, vượt xa mức giảm 300.000 thùng dự đoán của các nhà phân tích. Cũng theo API, tồn kho xăng của Mỹ giảm 70.000 thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 1,698 triệu thùng.

Tồn kho xăng của Mỹ giảm thúc đẩy giá xăng dầu leo dốc. Ảnh minh họa: Reuters 

Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết mối lo ngại của các nhà đầu tư về nguồn cung thắt chặt tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma cũng thúc đẩy giá trong phiên này.

Các kho dự trữ dầu thô tại Cushing đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu mạnh, gây ra lo ngại về chất lượng của lượng dầu còn lại và khả năng giảm xuống dưới mức hoạt động tối thiểu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27-9 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 24.197 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 25.748 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 23.594 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 23.816 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.847 đồng/kg.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.