Giá dầu thế giới
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất gần 3 tháng do nguồn cung thắt chặt, nhu cầu xăng của Mỹ tăng, và kỳ vọng về các biện pháp kích cầu của Trung Quốc.
Giá xăng dầu vẫn trên đà tăng dù đã có lúc đảo chiều lao dốc. Ảnh minh họa: Oilprice |
Giá dầu Brent tăng 1,67 USD, tương đương 2,1%, lên mức 82,74 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 19-4. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,67 USD, tương đương 2,1%, lên mức 78,74 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 24-4.
Cả hai hợp đồng đều bị đẩy vào vùng quá mua về mặt kỹ thuật trên mức trung bình động 200 ngày. Đường trung bình động 200 ngày từng là điểm kháng cự kỹ thuật chính đối với cả hai chỉ số chuẩn kể từ tháng 8-2022.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho, cho biết việc di chuyển trên đường trung bình động 200 ngày thường ngăn chặn các vị thế bán khống (đầu cơ), đồng thời thu hút các nhà giao dịch tìm kiếm điểm vào mới.
Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã bất ngờ lao dốc đầu phiên, đảo ngược đà tăng của hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước.
Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp, chịu tác động mạnh bởi lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng của các thành viên của OPEC+.
Citi Research cho biết trong một lưu ý rằng giá dầu tăng phản ánh “các điều kiện thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia tác động đến thị trường… ngay cả khi nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay trong mùa hè đã cao hơn một chút”.
Nhu cầu mạnh mẽ và lo lắng về vấn đề nguồn cung đã đẩy giá xăng kỳ hạn của Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2022.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Công ty phân tích và dữ liệu OANDA, nhận xét: “Sự phục hồi của giá dầu thô rất ấn tượng” vì nó diễn ra trong bối cảnh kinh tế châu Âu hiện đang rất yếu, kinh tế Mỹ đang chậm lại và Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ không công bố các biện pháp kích cầu trong tuần này.
Reuters dẫn kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy tại khu vực đồng euro, hoạt động kinh doanh trong tháng 7 giảm nhiều hơn dự kiến do nhu cầu trong ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối giảm trong khi sản lượng của các nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng chiến dịch tăng lãi suất kéo dài của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang bắt đầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm “sứt mẻ” lĩnh vực dịch vụ. ECB dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 27-7.
Chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của HCOB cho khu vực đồng euro, do S&P Global biên soạn và được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế tổng thể, đã giảm xuống 48,9 (mức thấp nhất trong 8 tháng) trong tháng 7 từ mức 49,9 của tháng 6.
Tại Mỹ, trong tháng này, PMI đã giảm xuống mức 52 từ mức 53,2 trong tháng 6. Đây mà mức thấp nhất trong 5 tháng do tăng trưởng của ngành dịch vụ giảm tốc. Giá đầu vào giảm và việc tuyển dụng chậm hơn cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đạt được tiến bộ trên các mặt trận quan trọng trong nỗ lực giảm lạm phát.
Các nhà đầu tư đã định giá Fed và ECB trong tuần này sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm nên mọi chú ý đều đổ dồn vào bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde về việc tăng lãi suất trong tương lai.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các thành viên của OPEC+ tiếp tục đẩy giá xăng dầu leo dốc. Ảnh minh họa: Reuters |
Phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến vẫn kỳ vọng đây sẽ là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt hiện tại của Mỹ, sau khi dữ liệu tháng này cho thấy dấu hiệu giảm lạm phát, khiến Fed không cần phải nâng lãi suất thêm nữa.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, các nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi hậu Covid gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết nhu cầu dầu ở Trung Quốc “hiện đang vượt quá mong đợi”, điều này “giúp tăng thêm niềm tin vào khả năng Trung Quốc tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay.”
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25-7 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 21.639 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 22.792 đồng/lít. Dầu diesel không quá 19.500 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 19.189 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.725 đồng/kg. |
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
MAI HƯƠNG