Giá dầu thế giới

Tuần này, giá dầu Brent đã giảm 5,4% xuống mức 81,66 USD/thùng, giá dầu WTI cũng giảm tới 5,6%, xuống mức 77,87 USD/thùng.

Sự lao dốc bất ngờ của giá dầu sau chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp chủ yếu là do sự mạnh lên của đồng USD, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất, và sự bất ổn về nhu cầu.

Giá xăng dầu đã trải nghiệm một tuần giảm. Ảnh minh họa: Businessday 

Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu trượt dốc 3 phiên, tăng nhẹ 1 phiên và gần như đi ngang 1 phiên.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã gây sốc với cú quay đầu giảm tốc gần 2 USD, bỏ mức lãi đầu phiên bởi đồng USD mạnh lên và các nhà đầu tư cân nhắc về khả năng Fed tăng lãi suất vào đầu tháng tới làm giảm hy vọng phục hồi kinh tế ở nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Mỹ.

Dữ liệu kinh tế lạc quan tại Trung Quốc bù đắp cho những lo ngại về việc Fed tăng lãi suất đã khiến giá dầu gần như không đổi ở phiên giao dịch thứ hai của tuần.

Theo Reuters, GDP quý I-2023 của Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 4,5% trong khi sản lượng lọc dầu tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3. Mức tăng trưởng GDP này đã vượt dự báo 4% của các chuyên gia và đây là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ quý I-2022.

Nhận xét về mức tăng GDP của Trung Quốc, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Bức tranh toàn cảnh về sự tăng trưởng của Trung Quốc vẫn cho thấy một thị trường đang thiếu nguồn cung”.

Ở phiên giao dịch thứ ba và tư của tuần, giá dầu đã giảm khoảng 4% xuống mức thấp nhất trong vòng hai tuần và xóa bỏ hầu hết mức tăng phi mã từ sau khi các nước thuộc OPEC+ thông báo mức cắt giảm tự nguyện gây sốc thị trường.

Giá dầu lao dốc bất chấp dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước trong khi tồn kho xăng bất ngờ tăng 1,3 triệu thùng lên 223,5 triệu thùng.

Sự tăng nhẹ ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhờ dữ liệu kinh tế khả quan ở khu vực đồng euro và Anh không đủ để vực giá dầu tuần này kéo dài đà tăng của 4 tuần trước đó. Lần đầu tiên trong vòng 5 tuần, giá dầu đã được trải nghiệm một tuần giảm.

Trong một lưu ý của mình, Commerzbank nhấn mạnh việc thắt chặt nguồn có khả năng đẩy giá dầu lên cao trong trung hạn. Thêm vào đó, sự không chắc chắn về nhu cầu, đặc biệt là trong mùa lái xe mùa hè sắp tới, sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ảnh minh họa: Reuters 

Trong một diễn biến khác, Oilprice trích tuyên bố của Liên đoàn lao động Anh cho biết, hơn 1.000 công nhân nước ngoài sẽ bắt đầu đình công 48 giờ từ ngày mai (24-4) liên quan đến vấn đề tiền lương. Cuộc đình công này có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu khí của BP, CNRI, EnQuest, Harbour, Ithaca, Shell, TAQA và TotalEnergies. Đây là cuộc đình công thứ hai trong một loạt các cuộc đình công được lên kế hoạch bắt đầu từ ngày 29-3 và sẽ kéo dài đến ngày 7-6.

Các công nhân ngành dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu ở Iran ngày 22-4 cũng đã đình công đòi tăng lương.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23-4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.680 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.630 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.390 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.480 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.649 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều qua với mức giảm dao động từ 250 đến 750 đồng/lít. Duy chỉ có dầu mazut được điều chỉnh tăng. Lần giảm giá này đã cắt đứt đà tăng 2 lần liên tiếp của giá xăng.

Giá xăng, tính từ đầu năm đến nay, đã trải qua 11 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG