Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21-4, giá dầu giảm khoảng 2 USD xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Sự lao dốc của giá dầu là do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu và sự tăng trong dự trữ xăng của Mỹ bất chấp dự trữ dầu của nước này giảm.

Giá xăng dầu liên tục đỏ sản. Ảnh minh họa: Foxbusiness 

Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 2,02 USD, tương đương 2,4%, xuống mức 81,1 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,87 USD, tương đương 2,4%, xuống mức 77,29 USD/thùng.

Trước đó, cả hai điểm chuẩn đều giảm 2% tại phiên giao dịch thứ Tư và chạm mức thấp nhất trong vòng 15 tháng ngay trước ngày các nước thuộc OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện bất ngờ gây sốc thị trường khiến giá dầu tăng phi mã gần 8%.

Bob Yawger, giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, cho biết: “Cuối cùng, một trong những lý do lớn khiến chúng ta trượt dốc là nỗi sợ suy thoái”.

Reuters cho biết, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng vừa phải vào tuần trước. Điều này cho thấy thị trường lao động đang chậm lại sau một năm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu chậm lại.

Trong khi đó, trong báo cáo hôm thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng của Mỹ bất ngờ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần trước lên 223,5 triệu thùng.

Nhu cầu xăng cũng giảm 3,9% so với mức của năm trước xuống 8,5 triệu thùng/ngày. Trái với sự tăng trong dự trữ xăng, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm đó có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch & Associates nhận xét mặc dù EIA thông tin dự trữ dầu thô giảm hơn 4,5 triệu thùng, nhưng tất cả sự sụt giảm này đều liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng đột biến và dữ liệu này có thể có thể dễ dàng bị đảo ngược vào tuần tới.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, các nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ chấm dứt việc thắt chặt chính sách với lần tăng lãi suất cuối cùng 0,25 điểm phần trăm vào tháng Năm này. Điều này giúp giảm bớt lo ngại về suy thoái do tăng lãi suất ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Còn tại Anh, lạm phát liên tục ở mức hai con số đã củng cố kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Anh.

Giá xăng dầu đang hướng tới tuần giảm đầu tiên sau 4 tuần tăng liên tiếp. Ảnh minh họa: Reuters 

Về phía cung, lượng dầu bốc dỡ từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 có thể sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, theo các nguồn tin giao dịch và vận chuyển.

Bộ trưởng xăng dầu của Pakistan cho biết, nước này đã đặt hàng dầu thô có chiết khấu đầu tiên của Nga. Theo thỏa thuận mới này, Nga sẽ cung ứng cho Pakistan tới 100.000 thùng/ngày.

Cũng ảnh hưởng đến giá dầu thô là sự sụt giảm ở thị trường chứng khoán, vốn thường biến động song song với giá dầu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 23.173 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 24.245 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.149 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.739 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.194 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương chiều nay. Vì giá xăng dầu thế giới những ngày qua hạ nhiệt ngay trước thềm điều chỉnh giá của liên Bộ, nên khả năng cao giá xăng dầu sẽ giảm nhẹ trong khoảng 300-500 đồng/lít (kg). Nếu đúng như dự báo, giá mặt hàng xăng trong nước sẽ giảm sau hai lần tăng liên tiếp.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 10 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG