Giá dầu thế giới

Giá dầu tuần trước đã ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp bất chấp sự bứt tốc ngoạn mục của hai mặt hàng dầu Brent và WTI ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.

Giá xăng dầu bắt đầu tuần mới trong thế trái chiều giữa dầu Brent và WTI. Ảnh minh hoa: Caspian News 

Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 2 phiên, giảm 3 phiên, chịu tác động chính bởi báo cáo thị trường hằng tuần của OPEC, sự tăng trong dự trữ dầu của Mỹ, lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu, các nhà đầu tư nắm giữ các vị thế bán khống chốt lời, và Mỹ trừng phạt một số chủ hàng dầu của Nga.

Đáng chú ý trong tuần giao dịch trước là sự giảm, tăng đột ngột của giá dầu ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần.

Ở phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu bất ngờ giảm mạnh gần 5% xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu sau số liệu từ Mỹ và châu Á.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ năm của tuần, giá dầu đã quay đầu bật tăng hơn 4%, lấy lại gần hết những mất mát ở phiên trước đó. Cú leo dốc ngoạn mục này được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư nắm giữ các vị thế bán khống chốt lời và Mỹ trừng phạt các công ty hàng hải và tàu vận chuyển dầu của Nga bán dầu trên mức giá trần của G7.

Tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10-11 đã tăng 3,6 triệu thùng lên 421,9 triệu thùng. Cũng theo cơ quan này, sản lượng dầu thô của Mỹ đang giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày đạt được trong tháng 10.

Do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 10 giảm so với mức cao của tháng trước đó. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của Bắc Kinh khá khởi sắc khi sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng.

Giữa tuần trước, OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 lên 2,46 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu năm 2024 là tăng 2,25 triệu thùng/ngày.

Đồng quan điểm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay là 2,4 triệu thùng/ngày, tăng 0,1 triệu thùng so với dự báo hồi tháng 10. Cơ quan này cũng điều chỉnh mức tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm sau lên 930.000 thùng/ngày, tăng 30.000 thùng so với dự kiến trong báo cáo tháng 10.

Giá xăng dầu tuần này liệu có giảm tuần thứ 5? Ảnh minh họa: leadership.ng 

Các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan đang hoạt động trong gần một năm do giá dầu thấp. Tuy nhiên, Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, tuần trước, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng 6 giàn, nhiều nhất kể từ tháng 2.

Tuần này, biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) Mỹ được công bố vào ngày 21-11 sẽ cho thấy rõ hơn về quan điểm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ về việc duy trì hay giảm lãi suất trong thời gian tới. Ngoài ra, dự trữ xăng dầu của Mỹ, những diễn biến ở Trung Đông cũng vẫn sẽ là những yếu tố tác động đến biến động của giá dầu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20-11 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.274 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.530 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.888 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 21.512 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.623 đồng/kg.

Theo Bộ Công thương, Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày ký 17-11, vì vậy, kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ diễn ra vào thứ 5 hằng tuần thay vì ngày 1, 11, 21 hằng tháng như trước đây.

Theo Nghị định, tuần này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh vào ngày 23-11. Dự kiến giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm nhẹ. Tuy nhiên, từ nay đến ngày điều chỉnh, giá xăng dầu thế giới sẽ có những biến động khiến giá dầu có thể giảm sâu hơn, đi ngang, thậm chí tăng nhẹ.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.