Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm hơn 1,5% sau khi thị trường nắm bắt được số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến làm dấy lên nghi ngờ về sức cầu ở nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Một phần sản lượng của Libya đã được khôi phục cũng là yếu tố gây áp lực lên giá.

Giá xăng dầu tiếp tục giảm. Ảnh minh họa: Shuttlestock 

Giá dầu Brent giảm 1,37 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 78,5 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 74,15 USD/thùng, giảm 1,27 USD, tương đương 1,7%. Cả hai hợp đồng đều ghi nhận ngày giảm giá thứ hai liên tiếp. Ở phiên giao dịch kết thúc tuần trước, giá dầu đã giảm hơn 1%.

Theo Reuters, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ yếu trong quý II do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong quý II so với quý trước. So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù GDP tăng 6,3%, cao hơn so với mức 4,5% trong quý I nhưng thấp hơn so với mức dự báo 7,3% của các nhà phân tích.

Trong tháng 6, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 3,1%, chậm lại so với mức tăng 12,7% trong tháng 5, và thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 3,2% của ác nhà phân tích. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp bất ngờ tăng nhanh lên 4,4% trong tháng 6 từ mức 3,5% trong tháng 5, nhưng nhu cầu vẫn thấp.

Carol Kong, nhà kinh tế tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia ở Sydney, nhận xét: “Dữ liệu cho thấy sự bùng nổ hậu Covid của Trung Quốc rõ ràng đã kết thúc. Các chỉ số tăng so với số liệu của tháng 5, nhưng vẫn vẽ ra một bức tranh về sự phục hồi ảm đạm, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đang đạt mức cao kỷ lục.”

Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING cho biết: “GDP đạt được dưới mức mong đợi, do đó sẽ không làm giảm bớt những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc”.

Theo Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, hoạt động mua của các quỹ phòng hộ đã chậm lại do có ý kiến cho rằng nhu cầu có thể đã bị phóng đại sau những con số yếu từ Trung Quốc.

Trong phiên, giá dầu đã có thời điểm quay đầu tăng khi có tin rằng Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện. Tuy nhiên, khi tin được cải chính, giá dầu đã trở lại quỹ đạo giảm.

Giá dầu cũng chịu áp lực từ việc khôi phục lại sản lượng tại hai trong số ba mỏ dầu của Libya đã đóng cửa vào tuần trước. Sản lượng đã bị đình trệ bởi một cuộc biểu tình chống lại vụ bắt cóc một cựu bộ trưởng tài chính.

Sắc đỏ của giá xăng dầu vẫn được duy trì sang phiên thứ ba liên tiếp. Ảnh minh họa: Reuters 

Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía tây sẽ giảm 100.000-200.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng tới, một dấu hiệu cho thấy Moscow đang thực hiện tốt cam kết cắt giảm nguồn cung song song với Saudi Arabia.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng có thể giảm xuống gần 9,40 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Đây sẽ là mức giảm hằng tháng đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18-7 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.419 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 21.497 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

MAI HƯƠNG