Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tiếp tục leo dốc do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông bù đắp cho dự báo nhu cầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Giá dầu ghi nhận thêm một tuần leo dốc. Ảnh minh họa: Vanguardngr 

Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 61 cent, tương đương 0,74%, lên mức 83,47 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 3 tăng 1,16 USD, tương đương 1,49%, lên mức 79,19 USD/thùng. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 4 tăng 87 cent lên mức 78,46 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 1% và giá dầu WTI tăng khoảng 3%. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đều ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 sau tuần tăng khủng gần 6% tuần trước đó.

Giá dầu đã duy trì đà tăng, được hỗ trợ bởi nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng ở Trung Đông.

Ngày 15-2, Hezbollah cho biết đã bắn hàng chục quả tên lửa vào một thị trấn phía Bắc Israel nhằm phản ứng trước các vụ tấn công của Israel khiến 10 thường dân ở miền Nam Lebanon thiệt mạng.

Trong khi đó, bệnh viện lớn nhất của Gaza đang bị bao vây trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi lực lượng Israel triển khai máy bay chiến đấu ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của người Palestine trong vùng đất này.

Cùng với đó, các mối đe dọa vẫn tồn tại ở Biển Đỏ sau khi một tên lửa bắn từ Yemen tấn công một tàu chở dầu chở dầu thô đến Ấn Độ.

“Thị trường nhận thấy dầu vẫn chảy và sự gián đoạn là nhỏ”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS, nhận xét phản ứng của thị trường dầu mỏ trước tin tức từ Trung Đông.

Về phía Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 1 tăng 0,3%, cao hơn dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng mạnh. Điều này có thể làm gia tăng lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ sụt giảm đã thúc đẩy hy vọng Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất, điều này có thể hỗ trợ nhu cầu dầu.

Hiroyuki Kikukawa, chủ tịch NS Trading thuộc Nissan Securities, cho biết hy vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu, nhưng các nhà đầu tư hiện đang điều chỉnh vị thế của họ trước kỳ nghỉ cuối tuần dài ở Mỹ.

Căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục là yếu tố chính đẩy giá dầu leo dốc. Ảnh minh họa: Oilprice 

Cũng trong ngày 15-2, IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đang mất đà và cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2024. Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày, bằng khoảng một nửa mức tăng trưởng của năm ngoái, một phần do tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh. Trước đó, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 là 1,24 triệu thùng/ngày.

Lần thứ 2 trong 3 tuần, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên đang hoạt động.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-2 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.831 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 23.919 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 21.361 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 21.221 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.906 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 15-2. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng mạnh nhất, 711 đồng/lít; giá dầu mazut tăng ít nhất, 308 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 5 lần và giảm 2 lần.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.