Giá dầu thế giới
Tuần này, giá dầu tiếp tục chịu tác động mạnh bởi đồng USD tăng, nhu cầu yếu từ Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ nhiệt cắt giảm lãi suất cũng như những dự báo tăng trưởng nhu cầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Giá dầu ghi nhận tuần giảm. Ảnh minh họa: Oilprice |
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã “lao dốc” hơn 2% sau khi kế hoạch kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới thất vọng. Thêm vào đó, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 chỉ tăng 0,3%, thấp hơn so với mức 0,4% hồi tháng 9 và là mức thấp nhất trong 4 tháng qua cũng cho thấy nhu cầu giảm ở Trung Quốc.
Sau khi OPEC cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu, giá dầu chỉ tăng nhẹ, gần như đi ngang trong phiên giao dịch thứ 2. OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm so với dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,64 triệu thùng/ngày xuống 1,54 triệu thùng/ngày.
Tại phiên giao dịch thứ 3, giá dầu duy trì đà tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi hoạt động bù đắp vị thế bán khống sau khi giá giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 tuần do dự báo nhu cầu giảm của OPEC. Đồng USD tăng gần “chạm” mức cao nhất trong 7 tháng đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Giá dầu vẫn giữ đà tăng chưa đến 30 cent ở phiên giao dịch thứ 4 do tồn kho nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh đã lấn át mối lo ngại về tình trạng dư cung trong bối cảnh nhu cầu tăng chậm bởi đồng USD tiếp tục mạnh lên.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 8-11, tồn kho xăng của Mỹ đã giảm 4,4 triệu thùng xuống còn 206,9 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất cũng giảm 1,4 triệu thùng.
Ngược với dự báo của OPEC, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 sẽ tăng thêm 60.000 thùng/ngày lên 920.000 thùng/ngày, trong khi đó giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 990.000 thùng/ngày trong năm 2025.
Sau 3 phiên tăng giá liên tiếp, giá dầu đã kết thúc tuần bằng cú trượt dốc hơn 2%. Việc các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu yếu của Trung Quốc và khả năng Fed giảm tốc độ cắt giảm lãi suất đã đẩy giá dầu quay đầu lao dốc trong phiên này.
Ảnh minh họa: Oilprice |
Theo Oilprice, Trung Quốc đã công bố sản lượng lọc dầu giảm tháng thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 tăng cho thấy sự khởi đầu mạnh mẽ của nền kinh tế trong quý IV, làm hạ thấp kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng cuối cùng của năm.
Với 2 phiên giảm hơn 2% và 3 phiên gần như đi ngang, giá dầu tuần này đã quay đầu giảm với dầu Brent giảm khoảng 4%, dầu WTI giảm khoảng 5%.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-11 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 19.452 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 20.607 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.573 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 18.988 đồng/lít. Dầu mazut không quá 16.009 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 14-11. Giá xăng, dầu đồng loạt giảm với giá xăng E5 RON 92 giảm 292 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 247 đồng/lít, dầu diesel giảm 344 đồng/lít, dầu hỏa giảm 306 đồng/lít, dầu mazut giảm 385 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.