Giá dầu thế giới

Mặc dù mức giảm khiêm tốn hơn (khoảng 1,5%) so với mức giảm của giá dầu Brent (5%) và WTI (7,1%) hồi tuần trước, nhưng giá dầu cũng đã đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp.

Giá xăng dầu giảm tuần thứ tư liên tiếp dù mức giảm khiêm tốn hơn. Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu bắt đầu tuần trong sắc xanh, “bỏ túi” hơn 2% khi lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ giảm bớt và một số thương nhân nhận thấy giá dầu thô trượt dốc quá sâu trong ba tuần liên tiếp do lo ngại nhu cầu.

Giá dầu tiếp tục giữ được đà tăng tốc bất chấp sự lao dốc hơn 2% ở đầu phiên giao dịch thứ hai của tuần sau khi thị trường cân nhắc kế hoạch của chính phủ Mỹ nhằm bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của mình và dự đoán nhu cầu theo mùa cao hơn.

Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho cho biết, thông tin chính quyền Biden có kế hoạch bắt đầu mua dầu đã giúp bù đắp các vị thế bán khống mang tính đầu cơ.

Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao, củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hơn nữa đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 5% ở ba phiên giao dịch cuối cùng của tuần, đảo ngược đà tăng ở hai phiên đầu tuần.

Theo Reuters, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 4, cao hơn so với mức tăng chỉ 0,1% trong tháng 3. CPI lõi của Mỹ cũng tăng 0,4% trong tháng 4, tương đương với mức tăng của tháng 3. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 4 – mức tăng lạm phát sản xuất hàng năm nhỏ nhất trong hơn hai năm.

Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 3 triệu thùng trong tuần trước, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Giá dầu Brent giao tháng 7 đã chốt tuần ở mức 74,17 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 70,04 USD/thùng.

Sự “lao dốc không phanh” này của giá dầu chịu tác động một phần bởi sự mạnh lên của đồng USD do sự không chắc chắn xung quanh trần nợ và chính sách tiền tệ của Mỹ.

Theo John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, chính sự thiếu tin tưởng vào nền kinh tế đang dẫn đến sự trú ẩn an toàn ở đồng USD, gây ra sự bi quan về nhu cầu dầu.

Lo ngại kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái ngày càng gia tăng, khi bế tắc về trần nợ vẫn chưa được khai thông, khủng hoảng ngân hàng ở nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Giá dầu đã giảm bốn tuần liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng, giá sẽ sớm tăng trở lại. Rob Thummel, nhà quản lý danh mục đầu tư của Tortoise nói với Yahoo Finance Live rằng, hiện tại, thị trường dầu mỏ toàn cầu có lẽ đang thừa cung nhưng sẽ chuyển sang tình trạng thiếu cung vào một thời điểm nào đó vào cuối quý II hoặc III. “Khi thị trường dầu thiếu nguồn cung, thông thường bạn sẽ thấy phản ứng tích cực về giá. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ tăng một chút”, Thummel nói.

 Giá xăng dầu sẽ tiếp tục biến động trong từng phiên giao dịch. Ảnh minh họa: Oilprice

Theo một báo cáo của OPEC hôm thứ Năm, nhóm dự kiến nhu cầu dầu trên thế giới sẽ tăng cao hơn 90.000 thùng/ngày (bpd) so với dự kiến trước đó từ tháng 7 đến tháng 12.

Với sự tăng cầu này, trong khi nguồn cung từ OPEC+ giảm, giá dầu được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.

Còn trước mắt, giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục dao động trong từng phiên giao dịch với các yếu tố tác động đến từ kinh tế Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và dự trữ xăng, dầu của Mỹ hằng tuần.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-5 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.131 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 21.000 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.653 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.972 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.862 đồng/kg.

MAI HƯƠNG