Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11-4, giá dầu tăng khoảng 2% với hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách thắt chặt sau báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ trong tuần này, mặc dù lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc vẫn hiện hữu.

Sau khi cùng tăng, giá xăng dầu trở lại trái chiều với WTI giảm. Ảnh minh họa: Oilprice 

Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,43 USD, tương đương 1,7%, lên mức 85,61 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,79 USD, tương đương 2,2%, lên mức 81,53 USD/thùng.

Theo Reuters, các nhà đầu tư khá lạc quan với việc Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, khiến dầu được định giá bằng USD rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết triển vọng Fed chỉ tăng lãi suất cơ bản một lần nữa với mức tăng 25 điểm cơ bản là điểm khởi đầu hữu ích. Tuy nhiên, lộ trình chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới.

Theo vị chủ tịch này, ông vẫn chưa thấy nhiều dấu hiệu thắt chặt các điều kiện tín dụng và sẽ cần thời gian để xem điều đó diễn ra như thế nào, đồng thời cảnh báo lạm phát vẫn còn quá cao. Ông dẫn dữ liệu việc làm trong tháng 3 cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất mạnh và lưu ý rằng trong khi lạm phát hàng hóa và hàng hóa đã giảm, áp lực giá cả ở các lĩnh vực khác vẫn còn cao.

Hôm nay, một báo cáo lạm phát của Mỹ sẽ được công bố sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá quỹ đạo lãi suất trong ngắn hạn.

“Triển vọng nhu cầu dầu thô ngắn hạn sẽ sớm rõ ràng hơn”, Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại OANDA cho biết. Theo Moya, các dữ liệu trong tuần sẽ cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về khả năng nền kinh tế Mỹ có đang bước vào giai đoạn suy thoái hay không.

Trong khi đó, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 3 của nước này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9-2021. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu yếu trong quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều.

Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets, nhận định với chỉ số CPI tháng 3 thấp hơn dự kiến, chính phủ Trung Quốc sẽ có những bước đi để kích thích nền kinh tế.

Giá dầu đã tăng khoảng 7% kể từ khi OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường bằng việc cắt giảm thêm sản lượng từ tháng Năm.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng của OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm nay, sau đó sẽ tăng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024, sau khi thỏa thuận sản lượng của nhóm hết hạn.

 Giá xăng dầu vẫn tiếp tục biến động quanh mốc 85 USD/thùng. Ảnh minh họa: Getty

Theo Viện dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu của Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 377.000 thùng thay vì giảm 1,3 triệu thùng như dự báo của các nhà phân tích. Tồn kho xăng của Mỹ tăng 450.000 thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 1,98 triệu thùng.

Trong một diễn biến khác, việc khởi động lại nhà máy lọc dầu cuối cùng trong số 4 nhà máy lọc dầu trong nước của Pháp bị đóng cửa do đình công kéo dài một tháng qua báo hiệu nhu cầu về dầu có khả năng tăng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12-4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 23.173 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 24.245 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.149 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.739 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.194 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tăng mạnh tại kỳ điều hành giá của chiều qua với giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít, giá dầu tăng hơn 700 đồng/lít (kg).

Ở kỳ điều hành này, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 150 đồng/lít, xăng RON 95 300 đồng/lít; dầu diesel 300 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; dầu mazut 0 đồng/kg; đồng thời, không chi Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

MAI HƯƠNG