Giá dầu thế giới

Theo Oilprice, lúc 5 giờ 30 phút ngày 11-11 (giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI đều “giậm chân tại chỗ”.

Giá dầu Brent “neo” ở mức 73,87 USD/thùng, dầu WTI “chững” ở mức 70,38 USD/thùng.

Giá dầu “giậm chân tại chỗ” đầu phiên giao dịch của tuần mới. Ảnh minh họa: Reuters

Tuần trước, một loạt các yếu tố tác động đến biến động của giá dầu. Đó là quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 12; đồng USD tăng giá; kết quả bầu cử tổng thống Mỹ; tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng; lo ngại về thiệt hại do bão Rafael gây ra đối với cơ sở hạ tầng dầu khí tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ; quyết định giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm.

Oilprice cho biết, thị trường dầu mỏ đã chứng kiến giao dịch hỗn loạn trong phiên giao dịch ngày 6-11, với giá dầu giảm đầu phiên trước khi tăng vọt, khi thị trường nắm được thông tin ông Donald Trump đã đánh bại bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Không khó để giải mã những phản ứng trái chiều của thị trường dầu mỏ. Một mặt, các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ đang mong đợi ít quy định hơn về sản xuất dầu thô dưới sự điều hành của ông Trump, nghĩa là nguồn cung dầu cao hơn và giá thấp hơn. Mặt khác, chiến thắng của ông Trump cũng có nghĩa là sẽ có nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với dầu của Iran và Venezuela và điều này sẽ thúc đẩy giá.

Mặc dù giá dầu giảm hơn 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, nhưng mức giảm này không đủ để kéo giá dầu lao dốc trong cả tuần. Đẩy giá dầu giảm trong phiên là lo ngại về thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dầu khí tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ do bão Rafael đã lắng xuống; lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc sau khi dữ liệu cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – trong tháng 10 đã giảm 9%, giảm tháng thứ 6 liên tiếp.

Tính cả tuần, giá dầu tăng 3 phiên, giảm 2 phiên, tăng hơn 1%, ghi nhận tuần tăng giá.

Sau tuần tăng nhẹ, giá dầu tuần này sẽ đảo chiều hay kéo dài đà tăng? Ảnh minh họa: Oilprice 

Tuần này, thị trường sẽ “hóng” dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ trong tháng 10 – dữ liệu quan trọng được Fed theo dõi chặt chẽ, để xem liệu lạm phát tiêu dùng có đang về mức mục tiêu 2% hay không.

Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 cũng sẽ được công bố, cung cấp bằng chứng cụ thể về sức mua của người Mỹ trong môi trường chi phí cao hiện nay. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần cũng rất đáng lưu tâm.

Thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến về xung đột ở Trung Đông.  

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11-11 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 19.744 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 20.854 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 18.917 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.294 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.394 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 14-11. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng, nên giá xăng dầu trong nước có khả năng sẽ kéo dài đà tăng. Tuy nhiên, giá trong nước sẽ tăng-giảm theo biến động giá xăng dầu thế giới trong những phiên giao dịch tới.

Tại kỳ điều hành giá gần đây nhất, giá xăng E5 RON 92 tăng 336 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 351 đồng/lít, dầu diesel tăng 769 đồng/lít, dầu hỏa tăng 461 đồng/lít, dầu mazut giảm 67 đồng/kg.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.