Giá dầu thế giới
Reuters đưa tin, giá dầu đã kéo dài đà giảm sang phiên giao dịch ngày 31-5, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn, dữ liệu yếu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về nhu cầu.
Giá xăng dầu tiếp tục giảm, chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 1,11 USD xuống mức 72,6 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,37 USD, tương đương 2%, xuống mức 68,09 USD/thùng.
Trong phiên, có thời điểm cả hai điểm chuẩn đều giảm hơn 2 USD xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần. Ngay ở phiên trước đó, cả dầu Brent và WTI đều đã trượt dốc gần 5%.
Giá dầu giảm sau khi dữ liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 5 giảm nhanh hơn dự kiến do nhu cầu suy yếu. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất giảm xuống mức thấp nhất là 48,8 từ 49,2 trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo là tăng lên 49,4. Hoạt động của ngành dịch vụ chậm lại khiến chỉ số PMI phi sản xuất chính thức giảm từ 56,4 xuống 54,5. Chỉ số PMI thấp là bằng chứng cho thấy đà phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Á đang mất đà.
Các nhà phân tích hiện đang hạ thấp kỳ vọng của họ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Cả Nomura và Barclays đều cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc.
Trong khi đó, đồng USD trở nên mạnh mẽ hơn nhờ sự hỗ trợ từ việc hạ nhiệt lạm phát ở châu Âu và tiến triển về dự luật tăng trần nợ của Mỹ.
Reuters cũng cho biết thêm rằng, dữ liệu của Mỹ cho thấy cơ hội việc làm bất ngờ tăng trong tháng 4. Cụ thể, cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, tăng 358.000 lên 10,1 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 4, cho thấy sức mạnh bền bỉ trên thị trường lao động. Điều này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 6. Báo cáo “Beige Book” của Fed hôm 31-5 đã mô tả thị trường lao động “tiếp tục mạnh mẽ” trong tháng 5.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho nhận xét dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến của Trung Quốc, diễn biến tăng trần nợ, hai năm chi tiêu không đổi và có khả năng một đợt tăng lãi suất khác vào tháng tới của Fed đang đè nặng lên thị trường.
Các thương nhân sẽ theo dõi cuộc họp sắp tới vào ngày 4-6 của OPEC+. Các tín hiệu trái chiều từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng đã gây ra biến động giá dầu, tuy nhiên các ngân hàng HSBC và Goldman Sachs cũng như các nhà phân tích không kỳ vọng OPEC+ sẽ thông báo cắt giảm thêm tại cuộc họp này.
HSBC cho biết nhu cầu dầu mạnh hơn từ Trung Quốc và phương Tây từ mùa hè trở đi sẽ gây ra tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.
Stephen Brennock, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của PVM, cho biết về quyết định của OPEC+ rằng: “Hành động có khả năng xảy ra nhất là không hành động”.
Giá xăng dầu tiếp tục biến động. Ảnh minh họa: Reuters |
Tại Mỹ, sản lượng dầu thô tại mỏ đã tăng trong tháng 3 lên 12,696 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 3-2020.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tuần trước, dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 5,202 triệu thùng, ngược so với dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,22 triệu thùng. Dự trữ xăng của Mỹ cũng tăng 1,891 triệu thùng.
Dự trữ xăng, dầu của Mỹ tăng đã đẩy giá xăng dầu giảm thêm.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-6 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.488 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 21.499 đồng/lít. Dầu diesel không quá 17.954 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.969 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.158 đồng/kg. |
Tuần trước, giá xăng dầu thế giới đã đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Vì vậy, nhiều khả năng, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương ngày 1-6 với mức tăng dự kiến trong khoảng 400 – 900 đồng/lít (kg). Tuy nhiên, hai ngày qua, giá xăng dầu thế giới giảm sâu tới hơn 6% nên giá xăng dầu trong nước có thể chỉ nhích nhẹ, thậm chí giảm.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 14 lần điều chỉnh, trong đó 8 lần tăng, 5 lần giảm, và 1 lần giữ nguyên.
MAI HƯƠNG