Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng hơn 1 USD, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi nguồn cung thắt chặt ở một số khu vực trên thế giới và dữ liệu lạm phát của Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá đang chậm lại.

 Giá xăng dầu đang tiến sát mốc 80 USD/thùng. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,29 USD, tương đương 1,6%, lên mức 79,89 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5, hết hạn vào ngày 31-3, tăng 50 cent, tương đương 0,6%, lên mức 79,77 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5 tăng 1,30 USD, tương đương 1,8%, lên mức 75,67 USD/thùng, tăng khoảng 9% trong tuần.

Dữ liệu đưa ra trong ngày 31-3 cho thấy chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tăng 0,3% trong tháng 2 trên cơ sở hàng tháng, giảm so với mức tăng 0,6% trong tháng 1 và kỳ vọng tăng 0,4% của Reuters trong cuộc thăm dò ý kiến trước đó.

Các dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đang có xu hướng chậm lại đã hỗ trợ giá dầu tiếp đà tăng. Lạm phát ở Mỹ giảm cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ tăng lãi suất ít mạnh mẽ hơn, nâng cao nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro như hàng hóa và cổ phiếu.

Giá dầu cũng tăng sau khi các nhà sản xuất đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía bắc bị dừng hoạt động.

Theo Reuters, với việc giá dầu nhanh chóng phục hồi từ mức thấp thời gian qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể sẽ giữ nguyên thỏa thuận sản lượng hiện tại của họ tại cuộc họp vào thứ Hai tới.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng của OPEC trong tháng này là 28,9 triệu thùng/ngày, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 2 và giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9 năm ngoái.

Nhiều khả năng OPEC+ sẽ giữ nguyên mục tiêu sản lượng tại cuộc họp vào thứ hai tới sau khi giá xăng dầu phục hồi khá mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Oilprice 

Bất chấp mức tăng của giá dầu trong ngày cuối cùng của tháng 3, cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm hàng tháng lần lượt là 5% và 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2022. Giá dầu Brent giảm trong quý thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ năm 2015.

Ngày 20-3, giá dầu Brent và WTI đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2021 sau sự cố ngân hàng lớn và mặc dù chúng đã bù đắp được một số khoản lỗ kể từ đó, nhưng vẫn ở dưới mức giao dịch hồi đầu tháng 3.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết: “Sẹo kinh tế kéo dài trong tháng trước có thể sẽ làm chậm nền kinh tế, nếu không muốn nói là gây ra suy thoái và kỳ vọng lãi suất thấp hơn không đủ để hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn”.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-4 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.022 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.038 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.302 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.462 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.479 đồng/kg.

Dự báo giá xăng dầu trong nước nói trên có thể được điều chỉnh tăng nhẹ tại kỳ điều hành giá tới của liên Bộ Tài chính – Công thương vào thứ Hai tuần tới (3-4).

MAI HƯƠNG