Củng cố để bứt phá
Thị trường vàng thế giới tuần qua tương đối sôi động. Bước vào tuần giao dịch mới, giá vàng tăng và liên tiếp chinh phục các mức kỷ lục mới. Tuy nhiên, vào ngày 10-4, giá kim loại quý này quay đầu giảm mạnh khi báo cáo công bố trong ngày cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng “nóng” hơn dự kiến.
Mặc dù vậy, sức hấp dẫn của vàng nhanh chóng quay trở lại nhờ dữ liệu chỉ số giá sản xuất yếu, lo ngại căng thẳng địa chính trị dai dẳng và nhu cầu bền vững của các ngân hàng Trung ương đối với vàng. Trong phiên giao dịch cuối của tuần này, giá vàng có thời điểm đã tăng hơn 4% trong ngày lên mức cao mọi thời đại 2.448,80 USD/ounce trước khi quay đầu do chịu áp lực chốt lời.
Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay và tương lai neo lần lượt ở mức 2.343,9 USD/ounce và 2.360,1 USD/ounce, tăng nhẹ so với mức chốt phiên tuần trước.
Các chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới sẽ củng cố vào tuần tới. Ảnh: Kitco |
Mặc dù vàng không thể giữ vững được mức trên 2.400 USD/ounce, nhưng các chuyên gia phân tích lưu ý rằng, kim loại quý này vẫn trong xu hướng tăng mạnh mẽ và chuẩn bị chinh phục các mức kỷ lục mới dù khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng ít do dữ liệu lạm phát “nóng” hơn dự báo. Theo công cụ CME Fed Watch, thị trường chỉ nhận thấy 27% khả năng Fed sẽ xoay trục chính sách tại cuộc họp tháng 6, giảm so với mức 50% vào tuần trước và 68% một tháng trước.
Các chuyên gia giải thích, mặc dù có thể trì hoãn thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng, nhưng Fed khó có khả năng sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp tới đây. Điều đó có nghĩa là lãi suất thực vẫn có thể giảm xuống, một môi trường tích cực cho vàng.
Trong khi vàng vẫn được hỗ trợ tốt, một số nhà phân tích ích lưu ý các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho một đợt củng cố vào tuần tới vì đà tăng gần đây dường như đã đạt đến đỉnh điểm. Giám đốc Philip Newman của Metals Focus dự báo thị trường vàng sắp có một số sự củng cố sau đợt tăng kỷ lục chưa từng có này. Theo ông, việc điều chỉnh sau các mức tăng kỷ lục vừa qua là hợp lý.
Chiến lược gia Christopher Vecchio của Tastylive.com cũng lạc quan về vàng trong tương lai và cho rằng các đợt điều chỉnh giảm giá sẽ là cơ hội mua.
Tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới
Trong tuần này, thị trường vàng trong nước cũng không kém phần sôi động. Đầu tuần, giá vàng các thương hiệu được điều chỉnh tăng mạnh lên gần 85 triệu đồng/lượng. Vào giữa tuần, giá kim loại này quay đầu giảm với mức giảm cao nhất lên tới 1 triệu đồng/lượng trước khi bứt phá trở lại và chạm mốc 85 triệu đồng/lượng vào thứ Sáu. Vào lúc 13 giờ thứ Bảy (ngày 13-4), giá vàng miếng SJC giảm xuống còn 83,1 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng so với đầu tuần. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng gần 12 triệu đồng/lượng.
Trong thời gian vừa qua, giá vàng trong nước đã có những biến động mạnh, tăng nhanh. Dù giá vàng thế giới tăng mạnh trong những tuần qua, nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới vẫn chưa được rút ngắn. Liên quan đến một số giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà chia sẻ, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc trong các năm 2022 và 2023.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. Ảnh: ANH VIỆT |
Theo ông Phạm Thanh Hà, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160/TB-VPCP ngày 11-4-2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai ngay một loạt các giải pháp. Cụ thể, đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm bảo đảm đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý; nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4-2024.
Đối với Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24/2012/NĐ-CP và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Bài và ảnh: TRẦN HOÀI – ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.