Trong tuần qua, giá vàng thế giới biến động nhẹ khi thị trường “nín thở” chờ đợi các báo cáo kinh tế để biết thêm về đường hướng chính sách tương lai của Fed. Vàng tiếp tục được củng cố và giữ mức hỗ trợ quan trọng trên 2.000 USD/ounce. Kết thúc tuần, giá vàng thế giới giảm 0,6% so với mức chốt phiên tuần trước.  

 Chuyên gia cho rằng, biến động của vàng sẽ phụ thuộc vào quyết định của Fed. Ảnh: Getty Images

Trong phiên giao dịch cuối tuần này, thị trường vàng không tìm thấy bất cứ động lực tăng giá nào từ báo cáo kinh tế mới nhất của Mỹ. Theo bộ trương mại nước này, lạm phát cốt lõi hằng năm đã giảm mạnh so với tháng 11 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021. Mặc dù môi trường lạm phát “hạ nhiệt” sẽ thúc đẩy Fed nới lỏng chính sách tiền tệ của mình trong quý đầu tiên của năm nay, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động kinh tế vẫn đang vững chắc không mang lại cho Ngân hàng Trung ương Mỹ bất kỳ động lực nào để hành động. Sự không chắc chắn về lộ trình lãi suất đã ảnh hưởng đến thị trường vàng khiến giá tiếp tục củng cố trong phạm vi hẹp.   

Theo một số nhà phân tích, động lực mới trên thị trường vàng sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Fed khi thị trường nhận thấy 50/50 khả năng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 3.

Theo chiến lược gia hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo, Fed sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ khi triển vọng tăng trưởng của Mỹ được cải thiện. Mặc dù vậy, chuyên gia này lạc quan khi cho rằng, kim loại quý này vẫn sẽ được hỗ trợ và không bị tuột dốc khi thị trường vẫn tin rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.

Nhà phân tích thị trường Stuart O’Reilly của The Royal Mint cho rằng, dự đoán về khả năng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương trong năm nay, cùng với sự suy yếu gần đây của đồng USD đang thúc đẩy tâm lý lạc quan rằng thị trường vàng sẽ tiến xa hơn và duy trì mức tăng cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại. Theo chuyên gia này, nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tín hiệu rằng việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra sớm hơn, thị trường vàng có thể sẽ bứt phá. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu Fed kiên quyết giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn sẽ gây ra rủi ro giảm giá đối với kim loại màu vàng sau cuộc họp chính sách.

Nhìn rộng hơn, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế gần đây đang thúc đẩy lực cầu vào kim loại quý khi nhiều nhà đầu tư chuyển sang tài sản “trú ẩn an toàn”. Vàng và các kim loại quý khác đang ngày càng trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư và phòng ngừa lạm phát, O’Reilly nói thêm.

Dựa vào các dữ liệu công bố thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, khả năng Fed sẽ đưa ra quan điểm quá ôn hòa tại cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2024 là khó xảy ra và lưu ý giới đầu tư nên chú ý đến các dữ liệu.

Chiến lược gia thị trường Philip Streible của Blue Line Futures nói rằng, việc xem số lượng việc làm vào thứ Sáu sẽ quan trọng hơn là lắng nghe những gì Fed nói. “Chúng tôi biết Fed đang chú ý đến thị trường lao động; bất kỳ điểm yếu nào cũng sẽ buộc họ phải cắt giảm lãi suất. Các nhà đầu tư cũng cần xem xét việc làm do chính phủ tạo ra và xem xét tình trạng thực sự của thị trường việc làm”, Streible nói.  

Cùng với cuộc họp chính sách tiền tệ của Mỹ, thị trường trong tuần tới sẽ chờ đợi các dữ liệu quan trọng về thị trường lao động, bao gồm dữ liệu về việc làm và tiền lương của khu vực tư nhân, bảng lương phi nông nghiệp sẽ công bố vào thứ Sáu.

Ngoài ra, diễn biến cũng như quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh cũng được thị trường theo dõi chặt chẽ. Hiện tại, ngân hàng này được đánh giá đang trong tình thế khó khăn hơn khi nền kinh tế Anh chậm lại và lạm phát vẫn ở mức cao.

Giá vàng biến động khó lường trong tuần qua. Ảnh: tuoitre.vn 

Trong khi đó, vàng trong nước trong tuần qua tiếp tục tăng-giảm khó đoán với biên độ tương đối rộng. Bắt đầu tuần mới, giá vàng giảm mạnh với mức giảm cao nhất lên gần 1 triệu đồng đưa vàng về quanh ngưỡng 76 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vàng nhanh chóng đảo chiều và đà tăng được duy trì trong 2 ngày trước khi quay đầu giảm trở lại. Trong ngày thứ 6, giá vàng tăng về lại gần 77 triệu đồng/lượng. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên 16 triệu đồng/lượng.  

Theo TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với vàng thế giới lớn sẽ tạo nên nhiều hệ lụy, gây ra tâm lý bất an cho người dân và các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời nhấn mạnh cần phải có thêm những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát giá vàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp can thiệp, đề xuất sửa đổi các quy định giao dịch vàng nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước.

TRẦN HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.