Ngày 15-5, tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin về giải pháp quản lý, ổn định thị trường vàng.

Trước đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân lo lắng giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.

 Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp. 

Liên quan đến vấn đề giá vàng đang vô cùng phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã nắm bắt tình hình và đã tham mưu cho Thủ tướng, kiến nghị các giải pháp quan trọng liên quan đến an ninh tiền tệ, quản lý thị trường vàng.

Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng, áp dụng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng như các cơ chế can thiệp vào giá mua, giá bán, cơ chế can thiệp vào cung – cầu thị trường, kịp thời bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng. Ban hành quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan quản lý thị trường vàng gồm vàng miếng, sản xuất gia công vàng trang sức…

Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường như kiểm soát tối đa, nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm…

Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng như bắt buộc xuất hóa đơn hàng điện tử, quy định về thuế giá trị gia tăng, mã số… nhằm ngăn chặn tình trạng mua vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ không có hóa đơn, chứng từ, mua bán tự do, người dân trả tiền mặt trực tiếp, một số đơn vị cơ sở kinh doanh vàng miếng chưa được cấp phép nhưng bán “chui” cho người dân gây thất thu.

Bộ Công an kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố cần quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh vàng của cá nhân, doanh nghiệp được cấp phép, không để xảy ra các đơn vị kinh doanh vàng vi phạm pháp luật như hiện nay, nhập lậu vàng, vàng giả… Ngoài ra, cần kịp thời phát hiện các hoạt động vi phạm để đấu tranh, xử lý.

Theo báo cáo dân nguyện, cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đánh giá cao hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác đối nội và đối ngoại; các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể tại tỉnh Điện Biên – đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là lễ kỷ niệm cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, đã khẳng định rõ tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại, cũng như việc phát huy các bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam đã kéo dài nhiều tuần qua, dự báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm); tình trạng nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe người dân; tình trạng gió lốc và mưa đá gây thiệt hại lớn về hoa màu và nhà cửa của người dân tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình; liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động ở một số địa phương; giá điện sinh hoạt, một số mặt hàng phân bón, sắt thép xây dựng tăng thời gian gần đây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, xây dựng của người dân trong khi giá các mặt hàng nông sản thì lại giảm, khó tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân…

ANH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.