(Chinhphu.vn) – Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch ngày 19/10 với diễn biến phân hóa. Tuy nhiên, lực bán có phần áp đảo, hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,26%…
Tuy nhiên, lực bán có phần áp đảo, hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,26% lên 2.263 điểm, đánh dấu chuỗi phục hồi 3 ngày liên tiếp của chỉ số hàng hóa này. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch toàn Sở cũng tiếp tục tăng ngày thứ 3, đạt gần 4.800 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với ngày trước đó.
Khép lại ngày giao dịch 19/10, giá ngô đã tăng mạnh hơn 2,6% và vượt lên trên khoảng đi ngang 185-196 USD/tấn đã kéo dài trong gần 3 tháng vừa qua. MXV cho biết lo ngại về nguồn cung toàn cầu đã giúp giá ngô bật tăng trong cuối phiên và đẩy giá lên mốc cao nhất kể từ 2/8.
Trong báo cáo cung cầu ngũ cốc thế giới tối qua, Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) đã cắt giảm dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 23/24 xuống còn 1,219 tỷ tấn do sự sụt giảm từ Mỹ và Brazil. Hơn nữa, FAO đã cảnh báo rằng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 ở châu Mỹ Latinh với dự báo thời tiết khô hạn ở khu vực Trung Mỹ và Brazil.
Báo cáo của tổ chức này cũng chỉ ra rằng các chính phủ trong khu vực phải cảnh giác với mối đe dọa có thể xảy ra đối với nông nghiệp bởi con số thiệt hại có thể lên tới 82% trong trường hợp hạn hán. Một tổ chức nông nghiệp khác, ANEC cho biết hạn hán nghiêm trọng đã hạn chế lượng ngũ cốc được vận chuyển bằng sà lan tới các cảng phía bắc Brazil.
Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng tăng vọt hơn 2%, đồng thời đóng cửa tại mức giá cao nhất trong vòng một tháng qua. Yếu tố nguồn cung cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến diễn biến giá lúa mì trong phiên hôm qua.
StoneX mới đây đã hạ dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2023/24 của Brazil xuống còn 10,5 triệu tấn, giảm 5,9% so với ước tính đưa ra hồi tháng 9. Ở một diễn biến khác, Ukraine ghi nhận thiệt hại của ngành ngũ cốc và hạt có dầu lên tới hơn 3,2 tỷ USD trong năm nay.
Đóng cửa ngày giao dịch 19/10, bất chấp sự mạnh lên của dầu thô, giá đường 11 tiếp tục có sự suy yếu với mức giảm 0,69% trong phiên hôm qua. Thông thường, giá dầu thô tăng sẽ kích thích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết xuất ethanol. Điều này gián tiếp khiến sản lượng đường thu hẹp, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Giá dầu cọ đã quay đầu giảm trong phiên hôm qua do hoạt động chốt lời của thị trường, đóng cửa giá giảm 1,36% so với tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, giá bông ghi nhận sự tăng nhẹ 0,04% trong phiên hôm qua nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD vào phiên tối và dữ liệu bán hàng bông Mỹ cải thiện so với tuần trước.
Tâm điểm chú ý thị trường hướng về 2 mặt hàng cà phê. Đóng cửa, giá Arabica tăng mạnh gần 4%, lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Đồng thời, giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp với mức tăng gần 3% so với tham chiếu. Lo ngại vấn đề nguồn cung gặp trở ngại đang là nguyên nhân chính hỗ trợ đà tăng cho cả 2 mặt hàng cà phê.