Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt, sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc đầu tư sản xuất điện năng rất tốn kém. Khi huy động sản xuất sẽ theo nguyên tắc huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước và các nhà máy có giá cao hơn phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay, nhằm khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, các nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… đều áp dụng bán điện theo bậc thang tương tự như Việt Nam đang tiến hành. Việc thiết kế biểu giá điện cho sinh hoạt theo các bậc là phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân để khuyến khích các hộ dân sử dụng hiệu quả. Trong những năm gần đây, việc áp dụng cho thấy đơn giản nhưng đạt được mục đích khuyến khích sử dụng tiết kiệm hiệu quả, phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin về những vấn đề liên quan đến biểu giá điện 5 bậc. Ảnh: VGP |
Lý giải về việc tại sao không áp dụng giá bán điện theo hai thành phần, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, giá bán điện theo hai thành phần gồm công suất theo kW và giá điện năng theo kWh chỉ áp dụng cho các khách hàng sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện với mục đích sinh hoạt và do đây là cơ chế mới cần nghiên cứu để áp dụng làm sao cho phù hợp khách hàng sử dụng điện. Trong thời gian tới, trên cơ sở kinh nghiệm các nước sử dụng điện theo hình thức này, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất áp dụng bán điện theo công suất cho một số khách hàng sản xuất.
Liên quan đến những ưu và nhược điểm của cách tính giá điện 5 bậc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc.
Ngoài ra, việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng giao mùa.
Bộ Công Thương cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối. Đơn cử như mức chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng ở Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần, Thái Lan là 1,65 lần.
Nhược điểm của phương án này là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.