(Chinhphu.vn) – Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã chỉ đạo các công ty điện lực thành viên xây dựng phương án bảo đảm điện phục vụ sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm 2023…
Ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNCPC cho hay, thực hiện chỉ đạo của EVN về việc bảo đảm điện phục vụ sản xuất cuối năm 2023 và sản xuất hàng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, EVNCPC vừa có văn bảo yêu cầu các công ty điện lực thành viên tiếp tục thực hiện chỉ đạo của EVNCPC tại văn bản số 7436 ngày 25/10/2023 về việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
EVNCPC đã yêu cầu các đơn vị lập và thực hiện phương án ưu tiên bảo đảm cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ thị trường, người tiêu dùng cuối năm 2023 và sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các trạm bơm phục vụ đổ ải mùa vụ Đông Xuân. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các khách hàng sản xuất, các khách hàng chế biến sản phẩm phục vụ Tết, các khách hàng quan trọng được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
Tăng cường kiểm tra, khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết, nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện, bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, tin cậy trong các điều kiện thời tiết cực đoan như mưa, bão… sẵn sàng xử lý nhanh các tình huống để cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng.
Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị khi có công tác trên lưới điện, đồng thời đẩy mạnh sử dụng thiết bị sửa chữa điện nóng, vệ sinh cách điện không cắt điện, kiên quyết không để xảy ra mất điện gây gián đoạn hoạt động sản xuất.
Trước đó, Tổng Giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Cụ thể, EVNCPC đã yêu cầu các công ty điện lực xây dựng các kịch bản cung ứng điện và phương án ngừng giảm cung cấp điện trong giai đoạn mùa khô 2024 tương ứng với tăng trưởng phụ tải theo điều kiện bình thường và cực đoan của thời tiết trên địa bàn và các kịch bản tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.
Đánh giá, phân tích các thuận lợi và khó khăn vướng mắc trong công tác bảo đảm cung ứng điện năm 2024, đề xuất các giải pháp cụ thể, trọng tâm bảo đảm đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân năm 2024. Báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, sẵn sàng vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, tin cậy trong các điều kiện thời tiết cực đoan như bão lũ, nắng nóng kéo dài; không để xảy ra các sự cố chủ quan.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của EVNCPC về rà soát việc thực hiện các quy định tại các thông tư 22/2020/TT-BCT và thông tư 34/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn.
EVNCPC yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả, thực chất trên phạm vi quản lý về tình hình cung ứng điện và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức và hành vi sử dụng điện, triệt để tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 (Chỉ thị 20).
Làm việc với Sở Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20. Tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tiết kiệm và thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động khách hàng tiết kiệm điện.
Về công tác điều chỉnh phụ tải, thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo Sở Công Thương các tỉnh/thành phố về công tác điều chỉnh phụ tải (DR) được quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 16/11/2017 quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện.
Làm việc với các khách hàng tiêu thụ điện lớn (từ 1 triệu kWh/năm trở lên) để dịch chuyển thời gian sản xuất tránh giờ cao điểm của hệ thống trong các tháng mùa khô 2024. Rà soát các khách hàng tiêu thụ điện lớn chưa ký thỏa thuận tham gia chương trình DR và thỏa thuận tiết giảm từ 30%-50% vào các khung giờ cao điểm khi hệ thống yêu cầu hoặc thỏa thuận đã ký hết hiệu lực/sắp hết hiệu lực để ký kết thoả thuận mới.
NA