Số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy dòng tiền từ dân cư tiếp tục đổ về các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4-2023, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 6,332 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 7,96% so với cuối năm 2022 (tăng hơn 467.000 tỷ đồng).
Tháng 4 cũng đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp ghi nhận mức tăng lượng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng. So với tháng 3, trong tháng 4, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng đến 52.000 tỷ đồng.
Dòng tiền từ dân cư tiếp tục đổ về các tổ chức tín dụng. Ảnh: vtv.vn |
Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư tại ngân hàng tăng cao diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động.
Mới đây tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm 2023 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5 – 2%. Tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7 – 0,8%, lãi vay giảm 1 – 1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu.
Trong chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng lại đánh dấu xu hướng giảm sâu. 2 tháng đầu năm, tiền gửi của nhóm này giảm 338.000 tỷ đồng, đến tháng 3 tăng trở lại 48.000 tỷ đồng song không giữ được đà tăng này.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 4 sụt giảm 8.833 tỷ đồng, xuống còn 5,654 triệu tỷ đồng, giảm 5,02% so với cuối năm 2022. Những khó khăn về sản xuất kinh doanh thời gian qua được cho nguyên nhân chính cho xu hướng giảm này. Các doanh nghiệp phải rút tiền gửi tại ngân hàng để xử lý những khó khăn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Cụ thể tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%).
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, vốn kinh doanh được đánh giá là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện.
Thống kê cho thấy, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022; cũng như thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng – mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Theo VTV