(KTSG Online) – Bình Dương có 14 đơn vị khai thác mỏ cam kết cung ứng đủ vật liệu cho dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, trong đó có 6 đơn vị khai thác cát và 8 đơn vị khai thác…
(KTSG Online) – Bình Dương có 14 đơn vị khai thác mỏ cam kết cung ứng đủ vật liệu cho dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, trong đó có 6 đơn vị khai thác cát và 8 đơn vị khai thác đá và đất nền.
TTXVN dẫn thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh này riêng trong năm 2024 cần đất đắp nền đường là khoảng 300.000 m3, cát đắp nền đường là hơn 525.000 m3, cát xây dựng gần 77.000 m3, đá xây dựng gần 389.000 m3 và sỏi đỏ hơn 65.000 m3.
Các năm tiếp theo 2025 và 2026 số lượng vật liệu xây dựng đường Vành đai 3 sẽ giảm hơn nhưng khối lượng vẫn cần rất lớn. Riêng dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương sử dụng hàng triệu mét khối vật liệu xây dựng gồm cát, đá, sỏi đỏ và đất đắp nền.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, công suất khai thác của các mỏ khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho đường Vành đai 3 theo khối lượng đã thống nhất cùng sở Tài nguyên Môi trường TPHCM.
Sau khi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, có 6 đơn vị cung ứng cát xây dựng đăng ký với khối lượng 540.000 m3; đá xây dựng các loại và đất san lấp có 8 đơn vị đăng ký với khối lượng 1,83 triệu m3 đá và 1,4 triệu m3 đất san lấp là phần đất tầng phủ của các mỏ đá.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài toàn tuyến 26,6 km, với mức đầu tư 19.280 tỉ đồng. Dự án bao gồm nút giao Tân Vạn dài 2,4 km; đoạn đường từ phường Bình Chuẩn (TP Thuận An) đến sông Sài Gòn dài gần 9 km; đoạn trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài hơn 15 km (đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng, hiện tại đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị) đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn.
Kinh tế Sài Gòn Online