(Chinhphu.vn) – Công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng nuôi trồng, canh tác, mà còn hỗ trợ mở ra những kênh tiêu thụ ổn định, bền vững cho nông sản Việt. Sản xuất nông sản năm 2023 đang trên đà tăng trưởng tốt, nguồn cung trái cây vô…
Tình hình sản xuất nông sản năm 2023 đang trên đà tăng trưởng tốt, nguồn cung trái cây vô cùng dồi dào. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra áp lực lên khâu tiêu thụ. Bên cạnh nhiều biến động kinh tế, tình hình xuất khẩu nông sản ở một số thị trường cũng như sức mua trong nước còn một số khó khăn.
Trước những khó khăn trên, các cơ quan, ban ngành đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trái cây chính vụ như các chương trình truyền thông tuyên truyền, các chương trình mua sắm trực tuyến… Với sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ, nhiều chương trình tập huấn cũng đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, trình độ sử dụng công nghệ cho các cán bộ quản lý hợp tác xã, nhà sản xuất nông sản, đồng thời trang bị kiến thức để các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận với các kênh tiêu thụ trực tuyến.
Được Grab Việt Nam triển khai từ năm 2021, trong những năm qua, dự án GrabConnect vẫn nỗ lực theo đuổi chiến lược dài hạn trong việc kết nối nông sản địa phương an toàn, chất lượng từ nông dân đến tay người tiêu dùng khắp cả nước.
Bên cạnh các nỗ lực giản lược các khâu trung gian, dự án còn tích cực hợp tác với một số đơn vị chuyên kết nối các nhà vườn, hợp tác xã nông nghiệp uy tín với các nền tảng công nghệ như Grab. Qua đó, dự án có thể tiếp cận với nhiều hợp tác xã và nhà vườn địa phương hơn, giúp họ mở rộng kinh doanh và được hưởng lợi từ nền kinh tế số.
Với năng lực công nghệ và thế mạnh hệ sinh thái, bao gồm đối tác nhà hàng, quán ăn GrabFood, các đối tác cửa hàng GrabMart, các chủ shop online sử dụng dịch vụ GrabExpress, dự án GrabConnect đã và đang giới thiệu, kết nối các sản phẩm nông sản với mạng lưới đối tác của mình. Qua đó, không chỉ các hợp tác xã có thêm kênh tiêu thụ mới ổn định, mà các đối tác của Grab cũng được tiếp cận với nguồn trái cây chính vụ chất lượng, tươi ngon với giá cả phải chăng.
Vào những mùa cao điểm thu hoạch, Grab cũng tích cực triển khai các chiến dịch quảng bá trái cây đặc sản như “Lễ hội trái cây”. Người dùng có thể đặt trái cây từ các đối tác cửa hàng uy tín trên GrabMart, với thời gian giao hàng nhanh chóng. Các chương trình ưu đãi cũng được siêu ứng dụng này tích cực triển khai để người dùng có thể thưởng thức trái cây đặc sản tiết kiệm hơn.
Mặt khác, với mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong khuôn khổ dự án GrabConnect, Grab Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), Cục Phát triển doanh nghiệp (AED),Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (ITPC-VCA), nhằm triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 800 HTX nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trong năm 2022.
Vừa qua, dự án GrabConnect cũng hợp tác với nam ca sĩ, nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh ra mắt ca khúc “Vườn nhà” nhằm gửi lời tri ân đến bà con nông dân. Ca khúc cũng là sự đồng cảm với những nỗi nhọc nhằn của người nông dân, khi mỗi ngày họ phải chân lấm tay bùn để mang đến những trái ngon, quả ngọt. Với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ gần gũi, ca khúc để lại nhiều cảm xúc cho người nghe, khiến họ cảm thấy trân quý và biết ơn hơn khi thưởng thức những loại trái ngon chính vụ.
Phan Trang