Trong các dự án được họp bàn gỡ khó vào chiều 20/2/2023 có một số dự án hàng chục ha đứng nhiều năm do vướng pháp lý. Vào năm 2020, Tập đoàn Novaland từng thông tin, công ty đã bỏ vào dự án hơn 30,2ha tại Bình Khánh (Quận 2)…
Vào năm 2020, Tập đoàn Novaland từng thông tin, công ty đã bỏ vào dự án hơn 30,2ha tại Bình Khánh (Quận 2) 6.000 tỷ đồng nhưng 2 năm trước đó dự án vẫn “án binh bất động”. Vì thế, doanh nghiệp nhiều lần cầu cứu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho tiếp tục được thực hiện dự án khu dân cư này.
Vào ngày 25/1/2020, Tập đoàn Novaland đã từng cầu cứu khẩn cấp xin tiếp tục được thực hiện dự án khu dân cư tại khu đất 30,224 ha phường Bình Khánh ((The Water Bay) thuộc quận 2, Tp.HCM (nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) để tránh bị mất thanh khoản.
Trong đơn, Novaland khẩn cầu Bộ trưởng Xây dựng cho công ty con của doanh nghiệp là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 được tiếp tục phát triển dự án vì đây là dự án đủ điều kiện bán hàng và Novaland đã bỏ vào dự án này hơn 6.000 tỷ đồng.
Theo Tập đoàn này, việc tạm dừng dự án gây khó khăn cho công ty, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp. Đồng thời, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Được biết, Dự án Khu Dân cư Bình Khánh đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu; đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2.
Nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án giữa Chủ đầu tư và đại diện Thành phố là Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (“Ban quản lý Thủ Thiêm“), tuy nhiên, do ngân sách thành phố có khó khăn nên được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1.
Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ diện tích Khu Đất cho Dự Án Bình Khánh đã được BBTGPMB Q.2 hoàn tất. UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND chấp thuận cho Chủ đầu tư dự án Bình Khánh, Q.2 tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 là căn hộ thương mại do không còn nhu cầu sử dụng cho tái định cư.
Sau khoảng thời gian đó, Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 liên tục gửi kiến nghị lên UBND Tp.HCM về việc giải quyết vướng mắc tại 2 dự án là dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, thành phố Thủ Đức và khu đất 30,1ha thuộc khu dân cư Nam Rạch Chiếc.
Tại cuộc họp diễn ra chiều nay với Phó chủ tịch Tp.HCM Bùi Xuân Cường, trong số 7 dự án bất động sản, hai dự án của Novaland là dự án 30,2 ha phường Bình Khánh Tp.Thủ Đức và Dự án Chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 tiếp tục được kiến nghị gỡ khó.
Cụ thể 7 dự án được họp bàn gỡ khó gồm: Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7; Dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng, phường Tân Kỳ, quận Tân Phú; Dự án Chung cư Cửu Long – số 1 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4; Dự án Khu phức hợp Sóng Việt- công trình tại lô đất 1-7, Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP Thủ Đức; Dự án Khu nhà ở Thiên Lý tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức; Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh TP Thủ Đức và Dự án Chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland)
Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.
Cụ thể, Novaland kiến nghị Chính phủ và NHNN ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Điều này nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước, bởi ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết…
Đại diện Novaland mong muốn người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
Theo ông Nhơn, lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.
Với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Nhơn, việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Ông cho rằng các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu.
Nhịp sống thị trường