(Chinhphu.vn) – Với việc hoàn thành, đưa vào vận hành gần 30 công trình lớn và trong 2 tháng còn lại của quý II/2023 hoàn thành một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là động lực tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế…
Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã hoàn thành nhiều công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, tăng cường năng lực sản xuất cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, ngành giao thông hoàn thành nhiều tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, điển hình là các tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc- Nam phía đông như: Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Ninh Bình, Thanh Hóa) dài 63,37 km; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai, Bình Thuận) dài 99 km; hoàn thành bến cảng Việt Lào (bến số 3) cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với công suất 45 triệu tấn/năm.
Ngành sản xuất điện hoàn thành 8 dự án nhà máy điện và đưa vào vận hành, khai thác với tổng công suất 1.348 MW. Trong đó, nổi bật là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW.
Với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Ngành dệt may, da giày hoàn thành 2 nhà máy may tại Hải Dương và Nghệ An với tổng công suất thiết kế 22,5 triệu sản phẩm/năm.
Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy hoàn thành 1 nhà máy chế biến gỗ tinh chế MPWOOD tại Thừa Thiên Huế với công suất 3.000 m3/năm; 1 nhà máy sản xuất giấy melanie và đồ gỗ nội thất tại Hòa Bình với công suất 10 triệu tấn/năm; 2 nhà máy sản xuất bao bì tại Hải Dương và Hòa Bình với tổng công suất 17.360 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất túi xách ở Hà Nam với công suất 300 triệu sản phẩm/năm.
Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại, linh kiện điện tử, thiết bị điện, máy chuyên dụng hoàn thành 1 trạm nghiền xi măng tại Lai Châu với công suất thiết kế 500.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình tại Hà Nam với công suất thiết kế 130.000 m2; 2 nhà máy sản xuất thép tại Long An với công suất 450.000 tấn/năm và tại Hà Nam với công suất 600 tấn sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất giàn giáo xây dựng tại Hà Nam với công suất 10 tấn sản phẩm/năm; 1 nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng led và linh kiện tại Hà Nam với công suất thiết kế 4 triệu sản phẩm/năm.
Công trình nông nghiệp và thủy lợi hoàn thành 2 hồ chứa nước tại Thái Nguyên với năng lực thiết kế 31 ha và tại Kiên Giang với năng lực thiết kế 205 triệu m3; 1 trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Thanh Hóa với công suất 24.000 con lợn thịt/lứa.
Dự kiến trong 2 tháng còn lại của quý II/2023, tiếp tục hoàn thành một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo năng lực mới cho sản xuất công nghiệp như: Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm dự kiến hoàn thành nhà máy sản xuất thức ăn gia súc tại Cà Mau với công suất 125.000 tấn/năm. Ngành sản xuất sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị dự kiến hoàn thành nhà máy sản xuất nhôm tại Hải Dương với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm; 4 nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí tại Quảng Ninh với tổng công suất thiết kế hơn 8 triệu sản phẩm/năm. Ngành sản xuất phương tiện vận tải dự kiến hoàn thành khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors tại Thừa Thiên Huế với công suất 1.000 chiếc/năm; nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện tại Quảng Ninh với công suất 610.000 chiếc/năm.
Bên cạnh đó, một số dự án lớn thuộc nguồn vốn đầu tư công đang tích cực triển khai thi công như: Dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai) đến hết tháng 4/2023 đạt 62,5% khối lượng công việc giai đoạn san nền; cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo (Ninh Thuận, Bình Thuận) đạt 46% khối lượng thi công; cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh) đạt 32% khối lượng thi công; cao tốc Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai) đạt 82% khối lượng thi công.
Đây là những dự án, công trình có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Theo Tổng cục Thống kê, để hoàn thành các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cần tập trung thực hiện một số giải pháp.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản,… vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.
Thứ hai, có chính sách bình ổn giá nguyên nhiên vật liệu và giá các loại năng lượng ổn định; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quy trình mở rộng sản xuất, hoàn tất các yêu cầu về thủ tục trong việc xây dựng nhà xưởng;
Thứ ba, cần có chính sách ưu tiên tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại để thu hút đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ tư, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Thứ năm, các bộ, ngành và địa phương cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền thì cần tổng hợp, báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp xem xét, giải quyết sớm./.