Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong bối cảnh Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội Khóa XV thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, tài sản quan trọng của quốc gia, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: TRỌNG DIÊN |
Khẳng định vai trò quan trọng của đất đai, phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia đặc biệt quan trọng và có tác động tới sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Đất đai là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn để phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước.
Công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực đất đai; phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
GS, TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của đất đai. Ảnh: TRỌNG DIÊN |
Tuy nhiên, để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển bền vững thì đất đai phải được khai thác, quản lý, sử dụng, quản trị và bảo vệ một cách khoa học và hợp lý. Mặt khác, cần phải sử dụng hiệu quả các công cụ để làm gia tăng giá trị sử dụng đất, vừa để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vừa tạo được nguồn thu ngân sách lớn, ổn định và bền vững.
“Việc đổi mới chính sách đất đai và sử dụng hiệu quả các công cụ thực thi chính sách như đăng ký, quy hoạch đất đai, tài chính đất đai khoa học công nghệ… là vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, để nâng cao nguồn lực quản lý đất đai cho sự phát triển kinh tế-xã hội cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, GS, TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh, đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất trong bối cảnh phát triển hiện tại của quốc gia và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2013 còn bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Nổi bật như hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước…
Đề xuất các giải pháp khai thác nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế-xã hội, các ý kiến nhấn mạnh tới việc kiện toàn và đổi mới chính sách, pháp luật quản lý đất đai; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin đất đai; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện quy định về phát triển quỹ đất; phát triển thị trường bất động sản và thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế tài chính về đất đai; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai…
VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.