Doanh nhân Nguyễn Văn Đực: Tại sao phải “giải cứu” BĐS khi chính họ tạo nên tình thế hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng tại sao phải “giải cứu”, hỗ trợ các “siêu gia” bất động sản khi chính họ gây ra tình thế bất động sản như hiện nay? Bất động sản – bức tranh ngả màu tối…

F.admin lúc 2022-11-24

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng tại sao phải “giải cứu”, hỗ trợ các “siêu gia” bất động sản khi chính họ gây ra tình thế bất động sản như hiện nay?

Bất động sản – bức tranh ngả màu tối

“Cứ nghĩ đến giá đất, nhiều người muốn sở hữu lại lạnh hết cả người” hoặc “dự báo thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn”… là hai trong số nhiều vấn đề bất cập của thị trường bất động sản được đưa lên mổ xẻ ở nghị trường Quốc hội. Có thể thấy, bức tranh của thị trường bất động sản hiện tại và hết năm nay tương đối u ám.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn do việc xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều khó khăn dẫn đến nguồn cung nhà ở sụt giảm; cơ cấu sản phẩm nhà ở bất hợp lý; giá nhà cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân; việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro; thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch…

QUẢNG CÁO

Thị trường bất động sản gặp khó về vốn, trong đó nỗi lo trái phiếu đáo hạn đè nặng

Không khó để nhận diện nguyên nhân của sự trầm lắng diện rộng của bất động sản hiện nay. Trong khi lãi suất tăng cao, áp lực lạm phát lớn thì những kênh dẫn vốn chính cho thị trường bất động sản hiện nay lại đang “tắc nghẽn”.

Ví dụ như tín dụng ngân hàng hạn chế vào thị trường bất động sản, room tín dụng đã hết; trái phiếu doanh nghiệp sau một thời gian tăng nóng đã trầm lắng khi quy định về điều kiện phát hành chặt chẽ hơn, việc xử lý một số doanh nghiệp sai phạm cũng khiến các đơn vị khác phải “dè chừng”, chưa kể áp lực đáo hạn trái phiếu đang đè nặng; vốn từ thị trường chứng khoán cũng không khả quan khi giảm điểm liên tục và các cổ phiếu bất động sản “lau sàn” liên tục; vốn từ đầu tư công lớn nhưng giải ngân quá chậm chạp; vốn huy động từ khách hàng cũng không dễ bởi cánh cửa vay tiền ngân hàng đầu tư đất đã hẹp lại…

Trước tình trạng đó, cộng với việc thanh khoản kém của thị trường, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí vì đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu.

Tình thế khó khăn này khiến các doanh nghiệp liên tục kiến nghị cơ quan chức năng “hỗ trợ”, “giải cứu” để tránh thị trường đóng băng, đổ vỡ. Tuy nhiên, trong giới chuyên gia và doanh nghiệp, việc giải cứu hay không giải cứu thị trường bất động sản và giải cứu thế nào hiện đang gây tranh cãi.

Không nên giải cứu, hãy để thị trường quyết định

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng nên trả lời câu hỏi vì sao chúng ta lại để thị trường bất động sản sai phạm, thiếu bền vững như hiện nay? Để rồi những người thủ phạm gây ra vấn đề này lại kêu gào giải cứu?

“Anh bán những sản phẩm đầu cơ, không hiệu quả, thiết thực cho xã hội, cho nền kinh tế lại kêu gọi giải cứu? Các đại gia làm sản phẩm cho người giàu có, không ngó gì đến việc làm sản phẩm cho người thu nhập thấp, khi gặp khó khăn lại cầu cứu? Trong khi rất nhiều lĩnh vực cần phải cứu như chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nông dân ngập mặn, ngư dân đi biển… còn chưa được cứu thì sao lại phải đi cứu bất động sản?”, ông Đực nói.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng nếu cứu những doanh nghiệp bất động sản làm ăn chộp giật, lũng đoạn thị trường thì thực sự bất công với những ngành nghề khác. Do đó, ông Đực cho rằng không nên giải cứu những doanh nghiệp này. Ai làm sai thì người đó phải chịu.

“Thời gian qua, những người dân mua căn họ condotel với giá cả đắt đỏ, lời hứa lãi suất cao, hiện nay nhiều dự án đổ vỡ, nhà đầu tư không lấy lại được tiền họ còn phải chịu, thì tại sao phải cứu doanh nghiệp? Hoặc gần đây nhiều nhà đầu tư trái phiếu của một số tập đoàn lớn sai phạm, bị khởi tố, họ cũng phải chịu rủi ro không lấy được tiền, thì sao phải cứu doanh nghiệp bất động sản?”, ông Đực nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Theo doanh nhân này, nếu Nhà nước bỏ tiền giải cứu thì hãy bỏ tiền cứu công nhân, người nghèo đô thị.

“Chúng ta đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 nhưng nguồn vốn, cơ chế đều không có để thực hiện điều này. Thay vì cứu doanh nghiệp bất động sản làm những căn biệt thự, shophouse… tăng cả chục tỉ đồng trong thời gian ngắn; cứu những “siêu đại gia” vi phạm thì Nhà nước hãy dùng tiền đó để hỗ trợ những doanh nghiệp mang đến ích lợi cho cộng đồng thì hơn”, ông Đực chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Đực “nếu dùng nguồn lực công để cứu những doanh nghiệp chỉ có những sản phẩm bơm thổi, đầu cơ thì tôi rất phản đối. Doanh nghiệp bất động sản hay doanh nghiệp ngành nào chết là chuyện bình thường. Khi anh phát triển sai thì anh phải chịu”.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng với những doanh nghiệp làm ăn tốt, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, có dự án tốt thì nên cứu; còn những doanh nghiệp làm ăn không chuẩn chỉnh thì không cần phải cứu, hãy để thị trường quyết định số phận của họ.

Thà một lần đau…

Ông Nguyễn Văn Đực cũng đánh giá, sau khi nhiều doanh nghiệp lớn rơi vào tầm ngắm khi dính vào đất công những năm trước, thị trường bất động sản đã có mầm mống nguy hiểm. Để tìm hướng đi mới, các doanh nghiệp mở dự án khắp nơi, từ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển…, mỗi dự án cả nghìn ha để thu hút tiền bù vào chi phí của các dự án xây dựng trên đất công bị ngưng trệ; chưa kể ảnh hưởng từ 2 năm đại dịch COVID-19.

“Những dự án được mở ồ ạt không có ích lợi gì cho cộng đồng, cho xã hội, mà họ mở để cứu chính họ. Các dự án này quy mô lớn, phải vay ngân hàng, phát hành trái phiếu tràn lan. Khi kinh tế bất ổn, các doanh nghiệp gặp rủi ro vì thanh khoản kém, lãi suất sao, áp lực đáo hạn lớn thì họ phải tự tái cấu trúc lại mình. Khi các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại để bán thì lời ăn, lỗ chịu, không thể bắt Nhà nước cứu”, ông Đực nêu.

Doanh nhân này cũng cho rằng giá nhà đất hiện đã đẩy lên quá cao. Rất nhiều người đã không dám nghĩ tới việc có thể sở hữu căn nhà, bởi nó đã vượt tầm tay họ cách đây từ… 20 năm trước.

Thị trường bất động sản trầm lắng, chờ đợi tín hiệu “giải cứu”

Ông Đực cũng thẳng thắn chỉ ra, bất động sản là sân chơi của các đại gia trong nhiều năm nay. Từ việc họ lấy đất công một cách nhẹ nhàng; từ việc họ làm thủ tục đầu tư trong thời gian ngắn, trong khi doanh nghiệp nhỏ có khi 8 năm chưa xong; từ việc họ tiếp cận ngân hàng một cách dễ dàng khi thậm chí họ sở hữu ngân hàng, sở hữu chéo…

“Những sai phạm của họ dẫn đến tình trạng như hiện nay cần phải xử lý chứ không phải giải cứu”, ông Đực nêu và cho rằng không nên nới room tín dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản.

“Chủ trương siết tín dụng là chủ trường đúng đắn của Nhà nước. Tôi lấy ví dụ vụ Vạn Thịnh Phát chẳng hạn, họ có hàng trăm doanh nghiệp chân rết, hàng trăm doanh nghiệp này lại đi vay vốn. Chúng tôi cầm hồ sơ đi vay ngân hàng, thủ tục nhiều khê, chứng minh đủ thứ, nhưng nhiều doanh nghiệp chân rết kia đi vay rất dễ dàng. Thời điểm này mới siết việc phát hành trái phiếu, tín dụng ngân hàng theo tôi đã là khá chậm trễ”, ông Đực nêu.

Ông Nguyễn Văn Đực cũng nhấn mạnh, thà một lần đau để chấm dứt những căn bệnh trầm kha của ngành bất động sản, chứ để kéo dài, dung dưỡng thì vài năm sau tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn và xử lý khó khăn hơn nhiều.

Theo đô thị mới

Share
Bài viết bởi

F.admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *