“Thông mạch” nguồn lực để tạo động lực mạnh, mới cho tăng trưởng kinh tế
PGS, TS Trần Đình Thiên cho biết, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, điểm sáng đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng, phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.
“Những thành tích đó đều chứng tỏ năng lực trụ hạng, khả năng đối mặt các “cơn gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng”, PGS, TS Trần Đình Thiên đánh giá.
PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. |
Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Theo đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nghịch lý: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; nền kinh tế khát vốn nhưng lại khó hấp thụ vốn; tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.
Chỉ ra nguyên nhân của thực tế trên, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên làm “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn đến “cơ thể” nền kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.
Do đó, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS, TS Trần Đình Thiên đề xuất, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin – cho; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường đầu vào, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường…
Bên cạnh đó, PGS, TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh nhằm giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.
PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, cần ưu tiên phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm…
Thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu
Chỉ rõ một số khó khăn, thách thức của nền kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ: Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế – chính trị toàn cầu. Trong nước, tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của cả nước chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2020 khi cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022, lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp.
“Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp đáng báo động”, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý.
Đồng quan điểm với PGS, TS Trần Đình Thiên, ông Đậu Anh Tuấn cũng đặc biệt lưu ý trong nhiều khó khăn có việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản chưa thực sự thuận lợi.
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
Đặc biệt, theo ông Đậu Anh Tuấn, chi phí sản xuất kinh doanh cao cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các chi phí cao này khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên.
“Kết quả là chúng ta phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc làm và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm. Do đó, việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo đánh giá của PGS, TS Trần Đình Thiên, trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ, Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”. Cách tiếp cận này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây. |
THẢO NGUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan