Phát biểu mở đầu hội thảo, Đại tá Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng khẳng định: Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được cho là đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước cung cấp ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư, du lịch, thứ tư về thương mại.

Hội thảo là cơ hội giúp doanh nghiệp quân đội giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, chủ lực; tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản. 

Đại tá Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.

Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, sự kiện này tạo ra nền tảng kết nối mạnh mẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp quân đội với doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, mở ra con đường phát triển cho hai bên, củng cố quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Việc chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp hội viên VJBA sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn quá trình thâm nhập thị trường Nhật Bản và nâng cao khả năng thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường Nhật Bản với doanh nghiệp quân đội, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, dư địa hợp tác với thị trường Nhật Bản còn rất lớn. Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai nước hiện đạt khoảng 50 tỷ USD.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ tiềm năng hợp tác thương mại của thị trường Nhật Bản tới doanh nghiệp quân đội. 

Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Đặc biệt, Việt Nam là địa điểm thu hút đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ông Tạ Minh Đức, để thâm nhập vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua như tiêu chuẩn khắt khe.

Giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp quân đội, Đại tá Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội cho biết, doanh nghiệp quân đội hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có thế mạnh riêng, đã có những thương hiệu mạnh, phát triển đạt tầm cỡ khu vực và thế giới ở các lĩnh vực: Viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng, thi công, hạ tầng, khai khoáng, may mặc, da giày, đóng và sửa chữa tàu… Thời gian tới, các doanh nghiệp quân đội tiếp tục phát triển toàn diện về số lượng, chất lượng, quy mô, lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Đại tá Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội giới thiệu về thế mạnh của doanh nghiệp quân đội. 

Cùng với đó, giá thành sản phẩm của Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội rất hợp lý, phù hợp với tiêu chí của người tiêu dùng là xanh-sạch. Do vậy, doanh nghiệp quân đội mong muốn tăng cường sự hiện diện hơn nữa về hình ảnh và sản phẩm trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung.

 Hoạt động giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp quân đội và các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp quân đội và doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đã thảo luận, trao đổi về cơ hội hợp tác thương mại, những chính sách thương mại và những điểm cần lưu ý khi giao thương tại thị trường Nhật Bản.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp quân đội và doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Doanh nghiệp 2 bên có cơ hội tìm chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ, nhu cầu của từng đơn vị, gia tăng cơ hội hợp tác thương mại.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.