Doanh nghiệp phản hồi, đóng góp tích cực vào hoàn thiện chính sách

(Chinhphu.vn) – Năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do doanh nghiệp (DN) phản ánh tới các cơ quan hữu quan và phần lớn những kiến nghị này đã…

Fatz Admin lúc 2024-04-26

(Chinhphu.vn) – Năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do doanh nghiệp (DN) phản ánh tới các cơ quan hữu quan và phần lớn những kiến nghị này đã được phản hồi. Cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực này, đặc biệt là nhận thấy rõ sự thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Doanh nghiệp phản hồi, đóng góp tích cực vào hoàn thiện chính sách- Ảnh 1.

Hội thảo “Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023 – Ảnh: VGP

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023”.

4 dòng chảy pháp luật đáng lưu ý

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, đây là năm thứ 7 VCCI công bố báo cáo này. Báo cáo nhằm điểm lại những vấn đề quan trọng, đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh trong năm.

Lãnh đạo VCCI nhận định, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thách thức, Quốc hội và Chính phủ đã có những nỗ lực to lớn trong xây dựng chính sách, tạo lập thể chế cho các hoạt động kinh doanh. Nhiều đạo luật quan trọng, có tính chất nền tảng với nền kinh tế như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi… đã được thông qua. Tham gia và theo sát quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong năm vừa qua, theo ông Công, VCCI nhận thấy có 4 “dòng chảy” đáng lưu ý.

Thứ nhất, các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho DN tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. VCCI đã nhận thấy sự nỗ lực, tích cực của các cơ quan nhà nước trong việc rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gây vướng trong quá trình triển khai. Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án để cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN, cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Chính phủ và Quốc hội cùng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15.

Năm 2023, VCCI tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do DN phản ánh tới các cơ quan hữu quan và phần lớn những kiến nghị này đã được phản hồi, trong đó có nhiều ghi nhận và sẽ có kế hoạch sửa trong thời gian tới. Mặc dù, vẫn còn một số băn khoăn, nhưng cộng đồng DN đánh giá cao những nỗ lực này, đặc biệt là nhận thấy rõ về sự thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thứ hai, VCCI cho rằng, các cơ qua đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, gây khó cho DN. VCCI nhận được khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y…

Cơ quan nhà nước đã tìm hiểu, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, như tiến hành rà soát và sửa đổi các quy định gây vướng (như sửa quy chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy, đề xuất sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy; dự thảo nghị định sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết; …), tổ chức đối thoại với DN để giải đáp các vướng mắc và tìm hướng giải quyết.

“Mặc dù một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất, nhưng việc các cơ quan nhà nước tiếp nhận và tìm cách xử lý các vướng mắc của DN, cho thấy tinh thần cầu thị của các cơ quan soạn chính sách. Cộng đồng DN rất hoan nghênh các nỗ lực này”, ông Phạm Tấn Công nói.

Thứ ba, với sự vận động không ngừng của các hoạt động kinh tế, một số chính sách đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn. Đại diện VCCI dẫn một số ví dụ về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng như việc quản lý giá.

Thứ tư, các chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn có nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp về tính hiệu quả của các chính sách liên quan đến chế định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); sự chồng lấn về quản lý khiến DN phải gia tăng về nghĩa vụ thực hiện trong các quy định liên quan đến giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng…

Kỳ vọng giải quyết điểm nghẽn nhanh hơn

Chủ tịch VCCI dẫn các ví dụ về việc khá nhiều DN phản ánh họ gặp khó khăn trong tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến chi phí tuân thủ tăng cao, nhiều công trình không thể tiếp tục dược sử dụng, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho DN.

Cụ thể, trước đây, nhiều công trình sử dụng sơn chống cháy và được chấp nhận như một giải pháp đáp ứng quy chuẩn. Tuy nhiên, quy định mới ban hành từ năm 2020 lại yêu cầu, nếu muốn sử dụng sơn chống cháy để bọc bảo vệ các kết cấu chịu lửa, DN phải sơn lên mẫu kết cấu và thử nghiệm mẫu đó. Việc thử nghiệm các mẫu kết cấu này rất tốn kém và mất nhiều thời gian. 

Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin thêm: Pháp luật PCCC đã được ban hành nhiều năm qua và không có sự thay đổi lớn trong vài năm trở lại đây.

“Vấn đề PCCC đã nổi cộm từ năm 2020, các bộ ngành liên quan như cũng đã có tiếp thu, cũng có những giải pháp kịp thời, nhưng tôi nghĩ rằng tiến trình này cần phải được đẩy mạnh hơn. Đó mới là sự trông chờ nhiều hơn, kỳ vọng nhiều hơn từ DN”, bà Nguyễn Minh Thảo nói.

Bà Nguyễn Minh Thảo thẳng thắn cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với DN.

TIN LIÊN QUAN

  • VCCI góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

    VCCI góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

  • VCCI:  60 năm đồng hành vì doanh nghiệp và đất nước

    VCCI: 60 năm đồng hành vì doanh nghiệp và đất nước

  • Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế để cải thiện môi trường kinh doanh

    Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế để cải thiện môi trường kinh doanh

  • Thủ tướng: Cải thiện môi trường kinh doanh năm sau tốt hơn năm trước

    Thủ tướng: Cải thiện môi trường kinh doanh năm sau tốt hơn năm trước

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM (2023) cho thấy còn một số vấn đề bất cập. Đó là còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến. Đại diện CIEM cho biết thêm, trong năm 2023, cơ quan này đã rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước và nhận diện 9 vấn đề còn tồn tại liên quan đến ngành nghề kinh doanh..

“Có thể thấy, việc thu gọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thực chất, chưa đúng tinh thần cải cách tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN”, đại diện CIEM nói.

Tại Hội thảo, các ý kiến của DN, Hiệp hội DN tiếp tục chỉ ra các “điểm nghẽn” pháp luật kinh doanh như Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam phản ảnh về quy chế đầu tư đòi hỏi hơn 30 con dấu, như một “ma trận”; Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề cập đến các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong tái chể bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường…

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 là ấn phẩm do VCCI thực hiện nhằm ghi lại những vấn đề đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh trong năm 2023. Năm 2023, các cơ quan trung ương đã ban hành 16 luật, 98 nghị định, 33 quyết định, 510 thông tư. Số lượng tương đương năm 2022.

Anh Minh

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.