Doanh nghiệp Nhà nước: Lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ

(Chinhphu.vn) – Kiên trì thực hiện các giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã ban hành, khắc phục bằng được các hạn chế, yếu kém, chắc chắn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng xứng đáng là lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển nền kinh tế độc…

Fatz Admin lúc 2023-04-20

(Chinhphu.vn) – Kiên trì thực hiện các giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã ban hành, khắc phục bằng được các hạn chế, yếu kém, chắc chắn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng xứng đáng là lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng tại nước ta.

Tiềm năng, sức mạnh lớn

Doanh nghiệp Nhà nước: Lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 1.

Ngày 8/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra công trường dự án mở rộng sân bay Điện Biên với tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.467 tỷ đồng, từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo niên giám thống kê mới đây nhất (Tổng cục Thống kê, 2022), trong giai đoạn 2016-2021, tổng vốn đầu tư của DNNN là 1.183,62 nghìn tỷ, chiếm gần 10% tổng đầu tư toàn xã hội vào phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm các cân đối lớn của toàn bộ nền kinh tế.

Điều này chứng tỏ tầm quan trọng không thể thiếu của DNNN trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Vai trò đó thể hiện rõ ở các ngành, lĩnh vực như điện, than, xăng dầu, khoáng sản, an ninh lương thực, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, bưu chính viễn thông, cung ứng dịch vụ vận tải quốc gia… do các tập đoàn kinh tế nhà nước đảm nhận và đóng vai trò chủ đạo.

QUẢNG CÁO

Đơn cử, các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) chiếm 87% tổng sản lượng điện cung cấp cho xã hội. Trong đó, EVN bảo đảm truyền tải điện cho toàn bộ hệ thống điện quốc gia, thực hiện điều độ điện năng, phân phối điện năng, quản lý vận hành lưới điện nông thôn, các nhà máy điện quy mô, công suất lớn.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOIL) chiếm 72,5% thị phần bán lẻ xăng dầu của cả nước. Trong đó, Petrolimex khoảng 50%, PVOIL 22,5%. Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã khai thác đạt khoảng 121,14 triệu tấn quy dầu, cung cấp 100% thị phần khí khô, 70% thị phần khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.

Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) trong giai đoạn 2016-2020 đã tăng sản lượng khai thác than đạt 180,3 triệu tấn; tiêu thụ đạt 198,5 triệu tấn than, 5,78 triệu tấn alumin, 60.600 tấn đồng tấm… chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản của cả nước.

Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng viễn thông,Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan Nhà nước và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng, hóa đơn điện tử; ứng dụng nền tảng điện toán đám mây và triển khai dữ liệu lớn (Big Data); cung cấp dịch vụ Ví điện tử viễn thông (Mobile Money); đẩy mạnh việc triển khai các kết cấu hạ tầng mới để mở rộng vùng phủ sóng 4G, truyền dẫn cáp quang, nâng cao chất lượng mạng lưới, chuẩn bị cho mạng 5G… Các doanh nghiệp nhà nước đã và đang góp tích cực trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế nước ta phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập như: Việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm. Năng lực quản trị doanh nghiệp của DNNN chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ cần thực hiện. Năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh doanh, quy mô hoạt động, năng lực tài chính, trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Mặt khác, so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì DNNN có tốc độ tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn. Không ít DNNN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, khó khăn tài chính, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

DNNN còn yếu trong việc hỗ trợ nâng cao cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; trước hết là các ngành liên quan đến công nghệ cao, những ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế. Sự liên kết trong các DNNN cũng lỏng lẻo, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Các DNNN cũng chưa có nhiều sản phẩm công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh. Hoạt động đầu tư ở một số DNNN còn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối kết hợp để tạo ra những bước đột phá và thực hiện dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, một số DNNN khác tiến hành đầu tư dự án khi năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay trong nước và nước ngoài làm tăng chi phí đầu tư, rủi ro cao do yếu tố chênh lệch tỉ giá ngoại tệ… Thậm chí, có dự án kéo dài, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Công tác giải phóng mặt bằng, thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, kết quả thực hiện dự án…

Để DNNN xứng tầm với kỳ vọng

Doanh nghiệp Nhà nước: Lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 2.

Ngày 18/3/2023, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vai trò hết sức quan trọng của DNNN trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng tại Việt Nam. Trong các Nghị quyết Đại hội X, XI, XII của Đảng và Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khẳng định: “DNNN giữ vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. DNNN tập trung vào những lĩnh then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuốc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ “DNNN thực hiện vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu: “Thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI. Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng… Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng chính sách mua sắm công và các chính sách nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước của Việt Nam…”

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công công ty trong phát triển kinh tế xã hội nhấn mạnh: “Tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, văn hóa lịch sử…) và nguồn lực bên ngoài (công nghệ, vốn, lao động, quản trị..).

Đồng thời “Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém bất cập. tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Quản lý có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, đi đầu trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và quá trình giảm thải khí carbon của Việt Nam.”

Để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, có rất nhiều việc cần làm đối với DNNN, chẳng hạn như: Các bộ, ngành địa phương trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của DNNN với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước.

Đồng thời, chú trọng giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: Năng lượng (trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch), công nghiệp bán dẫn, đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia (như đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển…), hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (như luyện thép, hóa dầu)… trên cơ sở thế mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Các cơ quan có thẩm quyền sớm xây dựng cơ chế khuyến khích phối hợp, hợp tác giữa DNNN với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Mặt khác, bản thân DNNN cần tập trung, khẩn trương nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN theo hướng rà soát, tinh giản bộ máy; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “lợi ích nhóm”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, gây lãng phí, tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; tiết kiệm tối đa chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai… của DNNN, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nỗ lực xây dựng uy tín và thương hiệu của DNNN trên thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường áp dụng mô hình kinh doanh mới, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, bảo đảm các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng v.v…

Kiên trì thực hiện các giải pháp quan trọng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành, chắc chắn DNNN ngày càng xứng đáng là lực lượng vật chất quan trọng trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng tại Việt Nam./.

Việt Đông

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.