Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, doanh nghiệp Nhà nước cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội, lĩnh vực xăng dầu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: DŨNG MINH |
Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến, khai thác dầu khí, các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG) toàn quốc, đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cũng đóng vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mặc dù doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ về số lượng trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quang cảnh Tọa đàm về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: DŨNG MINH |
Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. Doanh nghiệp Nhà nước còn xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu vấn đề, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thực tế của Việt Nam. Đồng thời, cần định hướng đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, đặc biệt là nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: DŨNG MINH |
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau 5 năm thành lập, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Qua đó, cơ bản khắc phục tình trạng một số công việc chưa được thực hiện đầy đủ, tồn đọng nhiều năm; tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn.
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại tọa đàm. Ảnh: DŨNG MINH |
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong những năm tiếp theo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đó là cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn. Cùng với đó, tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.