Doanh nghiệp dệt may trở lại đường đua xuất khẩu

(Chinhphu.vn) – Tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đã…

Fatz Admin lúc 2024-08-17

(Chinhphu.vn) – Tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đã có đơn hàng cho đến cuối năm… có thể thấy, vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2023, ngành dệt may đã tiếp tục đứng dậy trong vị thế ngành công nghiệp TOP đầu của đất nước.

Doanh nghiệp dệt may trở lại đường đua xuất khẩu
- Ảnh 1.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhìn nhận: Trước mắt, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh giảm sút – Ảnh: Vinatex

Bangladesh là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may. Năm 2020, Bangladesh chỉ đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may sau Việt Nam và Trung Quốc với kim ngạch đạt 29,8 tỷ USD. Tuy nhiên quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới kể từ năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 49 tỷ USD tăng tới 64% so với năm 2020. Theo dữ liệu EBP công bố liên tục tăng trong giai đoạn 2021 – 2023 mặc dù thị trường dệt may toàn cầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu suy giảm mạnh, năm 2023, Bangladesh công bố đã xuất khẩu 50,3 tỷ USD hàng dệt may, tăng gần 70% so với năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng từ 35,3 tỷ USD trong năm 2020 lên 44,6 tỷ trong năm 2022 và giảm hơn 10% trong năm 2023 về mức 39,6 tỷ USD. Cường quốc xuất khẩu dệt may số một thế giới là Trung Quốc cũng chỉ ghi nhận mức tăng 3,7% trong năm 2023 so với năm 2020.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị tại Bangladesh đang diễn ra dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp quan trọng này.

Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu 

Thông tin từ Cổng thông tin chuyên ngành dệt may, da giày Sourcing Journal ngày 23/7 cho biết, dệt may – ngành công nghiệp trụ cột chiếm gần 85% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh đang chịu thiệt hại 150 triệu USD mỗi ngày khi các cuộc biểu tình của sinh viên gây chết người dẫn đến lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, mất sóng viễn thông và đóng cửa vô thời hạn các trường đại học từ những ngày trung tuần tháng 7/2024. 

Quốc gia Nam Á này đã không có dịch vụ di động hoặc Internet từ ngày 18/7/2024 do tình trạng bạo lực gia tăng trên khắp cả nước. Tất cả các nhà máy đóng cửa kể từ ngày 18/7/2024 như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

SM Mannan Kochi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh chia sẻ với Sourcing Journal: “Vấn đề lớn nhất là người mua quốc tế của chúng tôi đang mất niềm tin – một tổn thất không thể đo lường được bằng tiền vì nó sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến ngành công nghiệp có giá trị nhất của đất nước”.

Munir Mashooqullah, người sáng lập của Chuỗi cung ứng hàng may mặc M5 Groupe chia sẻ: Việc đóng cửa ngành dệt may của Bangladesh chắc chắn sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, trong khi tình hình vốn dĩ đã căng thẳng do xung đột ở Biển Đỏ. Việc bị cắt đứt liên lạc, đóng cửa các nhà máy do lệnh giới nghiêm sẽ làm tình hình trầm trọng hơn cho ngành dệt may của Bangladesh.

“Tình hình hiện tại sẽ khiến các thương hiệu và các nhà bán lẻ đánh giá lại việc hợp tác thương mại trong tương lai với Bangladesh khi rủi ro từ việc chậm trễ giao và cung cấp đơn hàng (từ 3 – 4 tuần) có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập hàng quý của các nhà bán lẻ lớn”, Munir Mashooqullah cho biết thêm.

Các cuộc biểu tình và biến động ở Bangladesh diễn ra vào thời điểm quốc gia này dự kiến sẽ vượt qua mức 50 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2024, cao hơn so với mức khoảng 47 tỷ USD của năm 2023.

Doanh nghiệp dệt may trở lại đường đua xuất khẩu
- Ảnh 2.

Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn – Ảnh: Vinatex

Doanh nghiệp dệt may trở lại đường đua xuất khẩu

Trong bối cảnh những diễn biến bất ổn tại Bangladesh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhìn nhận: Trước mắt, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Ngoài ra, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút. Nước này cũng sẽ chịu sức ép tăng lương cho lao động dệt may nên lợi thế về phí nhân công giá rẻ sẽ giảm đi.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, nhiều nhà máy tại Bangladesh đóng cửa nên khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu thời trang hàng đầu tại châu Âu như H&M, Zara đều là khách hàng của Bangladesh.

Thêm vào đó, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục hải Quan Việt Nam cũng làm rõ nét thêm những tín hiệu khởi sắc của ngành dệt may khi kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD trong tháng 7/2024, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước.

Trong đó: Hàng xơ sợi dệt đạt 373,3 triệu USD, tăng 6% so với tháng trước; hàng dệt may đạt 3,71 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, tăng 17,6% so với tháng trước; vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 68,2 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, tăng 7% so với tháng trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 135 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ và tăng 10,1% so với tháng trước

Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD. 

Tháng 7 là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 và 6 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu khởi sắc.

Báo cáo tài chính Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG), doanh thu thuần trong quý 2 đạt gần 2.174 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. TNG ghi nhận lãi ròng hơn 86 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua. 

Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hoà Thọ (mã chứng khoán: HTG) ghi nhận doanh thu thuần 1.094 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng kết quý 2, HTG lãi ròng 70 tỷ đồng, mức cao nhất trong 7 quý và tăng 109% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, lãi ròng hơn 115 tỷ đồng, tăng 78% và thực hiện được 65% mục tiêu lợi nhuận năm.

Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) vừa công bố kết quả quý 2/2024, đạt gần 847 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng giá vốn chậm hơn doanh thu, dẫn tới biên lãi gộp cải thiện từ mức 13,3% cùng kỳ lên 18%. Lãi gộp tăng mạnh 60% lên gần 153 tỷ đồng.

Chú ý đến tiêu chí phát triển bền vững

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) như đã đề ra, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.

Ngành dệt may cần chú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện… Chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro… cũng cần được quan tâm hơn nữa.

Phan Trang

  • Tham khảo thêm

    Ngành dệt may Việt Nam cần tập trung vào giải pháp quy hoạch

    Ngành dệt may Việt Nam cần tập trung vào giải pháp quy hoạch

  • Tham khảo thêm

    Có phải công bố hợp quy sản phẩm dệt may bổ sung?

    Có phải công bố hợp quy sản phẩm dệt may bổ sung?

  • Tham khảo thêm

    Nghiên cứu thông tin “Châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may”

    Nghiên cứu thông tin “Châu Âu thêm rào cản với ngành dệt may”

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.