Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh là một báo cáo thường niên của VCCI bắt đầu từ năm 2018, nhằm ghi nhận những chuyển động của pháp luật kinh doanh trong một năm, đề cập đến những vấn đề pháp lý chuyên sâu, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh tại nước ta.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, một mong muốn quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp muốn truyền tải trong Báo cáo này đó là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi. 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ tại hội thảo.

Báo cáo của VCCI công bố cho thấy, năm 2022, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có một số “dòng chảy” chính như sau: Các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt; các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy…

Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng phản ánh, bên cạnh việc rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ đã được cắt giảm, đơn giản hóa, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Bởi, nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho doanh nghiệp (ví dụ: Các quy định về phòng cháy, chữa cháy…) vẫn còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ. Cùng với đó, năm 2022, có những vấn đề “nóng” đòi hỏi nhà quản lý phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách, như: Hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của doanh nghiệp trúng đấu giá, hay các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng khác lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh…

Thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ duy trì thường xuyên và liên tục. Tuy vậy, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ.

Quang cảnh hội thảo. 

Dẫn minh chứng về những bất cập chính sách mà doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện đang phải đối mặt, bà Nguyễn Minh Thảo cho hay, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp.

Một ví dụ khác là bất cập do quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28-1-2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Theo đó Nghị định này quy định: Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt (áp dụng từ 15-3-2017) và Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15-3-2018).

Theo phản ánh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; trong khi không đạt hiệu quả quản lý, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ thừa i-ốt cho một bộ phận người dân.

VŨ DUNG