Doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao sự đồng hành của chính quyền Đồng Tháp. |
Hội nghị thu hút sự tham gia của 150 doanh nghiệp Ấn Độ. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Thương mại và Đầu tư Ấn Độ – Đồng Tháp với quy mô cấp tỉnh.
“Thông qua sự kiện này, Đồng Tháp sẽ quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào Đồng Tháp, nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Từ đó, mở rộng không gian hợp tác thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với các đối tác Ấn Độ, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị. |
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, để thu hút đầu tư từ Ấn Độ, hiện tại, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước và Dinh Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng, chính quyền thân thiện,… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại vùng Đất Sen hồng.
Doanh nghiệp Ấn Độ tham quan quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Đồng Tháp. |
Thảo luận tại hội nghị, các doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao sự đồng hành của chính quyền Đồng Tháp; đồng thời nhận định, Đồng Tháp có những lợi thế như: Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thủy sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như: Xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành. Nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với hơn 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài được rèn luyện tác phong công nghiệp…
Đây là điều kiện để Đồng Tháp và Ấn Độ mở rộng tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dệt may, công nghệ thông tin, dược phẩm… Minh chứng cho hiệu quả hợp tác giữa hai bên là tại Đồng Tháp, năm 2016, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt 9,68 triệu USD thì đến năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã tăng lên gần gấp đôi, đạt 18,13 triệu USD.
Đại diện lãnh đạo Đồng Tháp và Ấn Độ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên. |
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp hai bên ký biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác về kinh tế và thương mại, thống nhất thúc đẩy sự phát triển của quan hệ kinh tế song phương bằng cách cung cấp một nền tảng cho các cuộc gặp gỡ, thảo luận và tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, dịch vụ liên quan đến ngành hàng Xoài và một số lĩnh vực khác như du lịch, công nghệ thông tin… Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin về chính sách thúc đẩy sự phát triển và xúc tiến thương mại; tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường và tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư.
Tin, ảnh:THÚY AN